T5, 25/04/2024 09:16

Bình Thuận: Nhiều mô hình, giải pháp gỡ “thẻ vàng” của EC

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, với nhiều cách làm hay, hiệu quả, Bình Thuận đang dần khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), quyết tâm nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu u (EC).

Nhiều chuyển biến

Bình Thuận hiện có trên 8.300 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên hoạt động khai thác thủy sản; trong đó 1.960 tàu khai thác vùng khơi, hơn 1.900 tàu khai thác vùng lộng và gần 2.100 tàu khai thác vùng bờ.

Tăng cường công tác phối hợp để quản lý, kiểm soát tàu cá, ngư dân của tỉnh và tàu tỉnh bạn. Ảnh: N. Lân

Năm 2018, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên ban hành Chỉ thị 30-CT/TU ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Bình Thuận là tỉnh đầu tiên ban hành Chỉ thị 30-CT/TU ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Đặc biệt đã nhấn mạnh đến công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, qua từng năm, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn. Từ tháng 1/2018 đến tháng 2/2024, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ, giảm 32 vụ so với thời điểm trước, tập trung nhiều nhất ở thị xã La Gi (20 tàu), còn lại là Phú Quý, Hàm Tân và Tuy Phong. Việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được thực hiện nghiêm túc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng của 7 tàu cá về hành vi đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác ở vùng biển nước ngoài với số tiền 85 triệu đồng/1 thuyền trưởng; UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 3 chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền 900 triệu đồng/tàu cá.

Bên cạnh hình thức xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng địa phương còn áp dụng hình thức phạt bổ sung đối với ngư dân để cho tàu cá vi phạm IUU, như: tước giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động vùng biển xa, dừng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức kiểm điểm chủ tàu cá, thuyền trưởng vi phạm trước cộng đồng dân cư. Nhờ đó, qua từng năm, công tác chống IUU có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Công tác quản lý trên biển, kiểm soát đội tàu đánh bắt xa bờ còn nhiều khó khăn, do đó tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tuy đã giảm sâu, nhưng vẫn còn xảy ra. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương có biển phải quyết liệt hơn, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, đặc biệt là trong thời gian cao điểm Đoàn EC kiểm tra lần 5 tại Việt Nam. Phát hiện kịp thời, ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với các hành vi đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tiếp tục điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân có các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, tỉnh tiên phong trong việc “xóa sổ” tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản) – một trong những khuyến cáo quan trọng của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Đến nay, hơn 2.000 tàu cá “3 không” trong toàn tỉnh đã được cấp đăng ký tạm để theo dõi, quản lý.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi vùng biển xa, không vi phạm lãnh hải nước ngoài, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho trên 2.000 tàu cá trên địa bàn. “Mỗi tàu cá của ngư dân được hỗ trợ 2,2 triệu đồng/năm, thời gian hỗ trợ trong 3 năm, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngư dân chúng tôi an tâm bám biển, không lo vượt ranh giới nước ngoài”, ông Phan Đình Quý (ngư dân ở TP Phan Thiết) bày tỏ.

Ngoài những nỗ lực chung, nhiều cộng đồng ngư dân, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp để cùng với cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC. Trong đó, các mô hình như “Mỗi biên phòng giám sát 3 tàu cá” ở đồn Biên phòng Phước Hội (thị xã La Gi), nhóm phản ứng nhanh ở huyện đảo Phú Quý, Đội giám sát IUU (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống IUU tại địa phương.

Bùi Định

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt các biện pháp chống khai thác IUU. Từ đó, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả việc thực hiện IUU. Đồng thời, tạo điều kiện tái cơ cấu ngành thủy sản, trước mắt là tái cơ cấu đội tàu xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở những nơi có điều kiện, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!