(TSVN) – Theo Cục Thống kê Bình Thuận, tình hình nuôi trồng thủy sản năm 2024 tương đối thuận lợi và ổn định, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra; tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất. Nuôi thủy sản nước lợ có sự chuyển biến tích cực về công nghệ nuôi; nuôi nước ngọt duy trì ổn định.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tập trung phát triển nuôi trồng thuỷ sản nhằm tận dụng diện tích mặt nước có sẵn, giải quyết việc làm cho người lao động, chủ động cung cấp nguồn thuỷ sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao,…
Thông tin từ Cục Thống kê Bình Thuận, năm 2024, ình hình nuôi trồng thủy sản của địa phương tương đối thuận lợi và ổn định, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra; tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất. Nuôi thủy sản nước lợ có sự chuyển biến tích cực về công nghệ nuôi; nuôi nước ngọt duy trì ổn định tại địa bàn các huyện Đức Linh, Tánh Linh, nuôi cá tầm trên hồ Đa Mi.
Sản xuất tôm giống là một trong những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận. Ảnh: VM
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 12/2024 đạt 252 ha, tăng 1,41% so cùng kỳ; ước cả năm 2024 đạt 2.711,2 ha, tăng 1,28% so năm trước (trong đó diện tích nuôi cá 1.854 ha, tăng 1,23%; diện tích nuôi tôm 738,5 ha, tăng 1,82%). Sản lượng nuôi trồng trong tháng 12/2024 đạt 1.132,2 tấn, tăng 1,46% so cùng kỳ.
Năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 10.400 tấn, tăng 1,23% so năm trước chủ yếu là nuôi thủy sản nội địa (chủ yếu nuôi cá) tập trung ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý và nuôi tôm thâm canh ở một số huyện như Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi. Trong đó sản lượng cá nuôi ước 5.255,8 tấn, tăng 1,26% so năm trước và sản lượng tôm nuôi đạt 4.947,1 tấn, tăng 1,28%.
Sản xuất tôm giống là một trong những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận. Nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận được bắt đầu từ những năm 1985, khi nghề nuôi tôm thương phẩm bắt đầu chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh. Đến nay, tỉnh hiện có 128 cơ sở/763 trại. Trong đó, có 108 cơ sở/664 trại đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Có 34 công ty nhập khẩu giống tôm bố mẹ thẻ chân trắng từ các nước Mỹ, Thái Lan phục vụ sản xuất giống.
Ngoài thị trường miền Tây, tôm giống Bình Thuận đã lan rộng ra những địa phương có nghề nuôi tôm ở miền Trung lẫn miền Bắc. Hàng năm, sản lượng tôm giống Bình Thuận xuất bán cho các tỉnh miền Nam và miền Trung chiếm khoảng 80%, còn lại là các tỉnh phía Bắc.
Năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi, sản lượng tôm giống ước 23,5 tỷ post, tăng 3,04% so năm trước.
Tính đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh đã có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT về quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Cụ thể, các cơ sở này gồm Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam – Chi nhánh 1 tại Bình Thuận, Công ty TNHH Giống thủy sản Trần Hậu Điển, Công ty TNHH Sản xuất Giống thủy sản Xuân Bảy, Công ty TNHH Thủy sản Trường Thịnh, Công ty TNHH Thủy sản Việt Đức, DNTN tôm giống Huy Lâm, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Đại Lợi, Công ty TNHH GTS Hùng Bảo, Công ty TNHH Thủy sản Trường Thịnh, Công ty CP New.
Không chỉ tôm giống, tại Bình Thuận hoạt động sản xuất tôm thương phẩm cũng khá phát triển. Toàn tỉnh hiện có 6/10 địa phương có diện tích nuôi tôm với hơn 530 ha mặt nước. Trong đó, hiện có 149 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích mặt nước nuôi 154,58 ha, đã chuyển đổi sang công nghệ nuôi mới 2, 3 hoặc 4 giai đoạn, năng suất nuôi cao từ 15 – 30 tấn/ha/vụ (bình quân 2,5 – 3 vụ/năm).
Gần đây, các cơ sở nuôi tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp và nước thải riêng biệt, áp dụng quy trình nuôi vi sinh, sử dụng các loại máy theo dõi môi trường nước nuôi, máy cho ăn tự động,… nên phần nào hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan.
Toàn tỉnh hiện có 1 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã được chứng nhận Global Gap, Bap và ASC với tổng diện tích khu nuôi là 104 ha. Trong năm 2024, tình hình nuôi tôm nước lợ ít thuận lợi do thời tiết thay đổi, giá tôm thương phẩm thấp trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao nên các hộ nuôi hạn chế thả giống nuôi.
Thanh Hiếu