Qua kết quả điều tra thủy sản 1/5 của Cục Thống kê, đội tàu dịch vụ mua gom hải sản trên biển của tỉnh Bình Thuận phát triển khá mạnh.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 133 tàu, trong đó 107 tàu 90 CV trở lên. Huyện đảo Phú Quý có 85 tàu, bình quân 426 CV/tàu; Thành phố Phan Thiết có 6 tàu, bình quân 476 CV/tàu; Thị xã Lagi có 12 tàu, bình quân 210 CV/tàu; Huyện Tuy Phong có 4 tàu, bình quân 172 CV/tàu. Đội tàu dịch vụ vừa thu mua sản phẩm của đội tàu đánh bắt xa bờ vừa cung cấp nhu yếu phẩm cho tàu ngoài khơi. Nhờ có dịch vụ này mà chu trình sản xuất được liên tục, giảm nhiều chi phí trung gian, chất lượng sản phẩm được đảm bảo cho các cơ sở sản xuất và chế biến xuất khẩu. Các tàu hầu hết được trang bị hệ thống cấp đông. Mô hình dịch vụ hậu cần trên biển khá hiệu quả, trong tổng số tàu dịch vụ trên biển huyện Phú Quý có 70 tàu được trang bị máy cấp đông.
Tổ chức các tổ, đội và hợp tác xã sản xuất trên biển, phát huy tính tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất trên biển, giảm nhẹ thiên tai… Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có chỉ thị 46/CT-UBND 27/8/2008 “Thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển”. Tính đến nay toàn tỉnh đã có hơn 600 tổ đoàn kết/4.002 thuyền/25 ngàn lao động, trong đó 26 tổ/107 tàu dịch vụ hậu cần có công suất 90 CV trở lên. Bên cạnh các tổ đoàn kết do địa phương thành lập, một số tàu tự liên kết thành các nhóm khai thác cùng nghề hoặc cùng ngư trường hoạt động khá tốt trong thời gian qua; song các liên kết này chưa có gì ràng buộc.
Việc ứng dụng công nghệ mới trên tàu khai thác, nhất là khai thác xa bờ, dài ngày, tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hầu hết số tàu cá đóng mới, thay thế mới, mua mới đều được trang bị máy móc, thiết bị thông tin liên lạc. Tàu công suất trên 90 CV đều trang bị máy vô tuyến tầm trung, có 1.500 tàu cá trang bị máy thông tin tầm xa, máy định vị; 60% tàu thuyền trang bị máy dò cá… Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong khai thác những năm qua có sự tác động tích cực của công tác khuyến ngư trong công tác quảng bá, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân về ứng dụng trang thiết bị an toàn, bảo quản sau thu hoạch.
Những năm gần đây, nghề khai thác biển đối diện nhiều khó khăn, nguồn lợi thủy sản gần bờ giảm sút, ngư trường khai thác bị thu hẹp, giá nhiên liệu cao, chi phí sản xuất luôn tăng cao; trong khi đó lượng tàu thuyền đánh bắt và khai thác có công suất 90 CV trở lên gia tăng. Do đó, khai thác xa bờ tiến đến các ngư trường mới có nguồn lợi thủy sản dồi dào hơn là nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển của nghề cá trong tỉnh.
Có thể nói, các chính sách của Chính phủ đã góp phần giải quyết khó khăn cho ngư dân, duy trì sản xuất, khuyến khích ngư dân khai thác xa bờ kết hợp sản xuất với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ thời gian qua so với đặc điểm, tích chất đầu tư và sản xuất nghề cá, nhất là nghề cá xa bờ, vẫn còn nhiều hạn chế. Chi phí đầu tư thuyền nghề xa bờ khá cao, ngư dân lao động trong môi trường khó khăn, chịu nhiều rủi ro trong sản xuất.
>>Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Thuận mới hỗ trợ cho một đối tượng là bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên, với số tiền 88 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ tàu khai thác xa bờ trên 37 tỷ đồng, gồm hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, trang bị máy thông tin tầm xa. |