Bình Thuận: Sản lượng thủy sản tăng do ngư trường thuận lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong 6 tháng đầu năm nay, thời tiết ngư trường tương đối ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản Bình Thuận phát triển. Sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm trong tỉnh ước đạt 1.287,4 ha, tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá ước đạt 935 ha, tăng 2,41%; diện tích nuôi tôm đạt 328 ha, tăng 3,93%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.045,2 tấn, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, cá các loại ước đạt 1.832,8 tấn, tăng 3,52%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 2.112,4 tấn, tăng 1,75%.

Ngư dân Bình Thuận tấp nập vận chuyển cá về bờ. Ảnh: ST

Cùng với đó, tình hình thời tiết ngư trường tương đối ổn định, xuất hiện nhiều loài hải sản nên đa số tàu thuyền hoạt động khai thác gặp thuận lợi. Sản lượng khai thác của các nghề như câu mực, lưới rê đạt hiệu quả cao. Sản lượng thủy sản khai thác trong 6 tháng qua ước đạt 111.199,8 tấn, tăng 1,77% so với cùng kỳ; riêng đối với khai thác biển ước đạt 110.954,5 tấn, tăng 1,77%. 

Tình hình sản xuất tôm giống ổn định, nhu cầu tôm giống trên thị trường đang tăng cao, các cơ sở sản xuất tôm giống đang đầu tư đẩy mạnh sản xuất, sản lượng nuôi 6 tháng đầu năm nay ước đạt 11.133,1 triệu post, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước.

 Sản phẩm thủy sản đông lạnh ước đạt 16.547 tấn, tăng 16,73% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản Bình Thuận đạt 92,6 triệu USD, giảm 9,87%. Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh Bình Thuận như Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc (mặt hàng thủy sản); Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu là tôm, cá, thủy sản khác,…), Côlômbia (mặt hàng mực tươi),…

Trong năm nay, tỉnh Bình Thuận phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 210.000 tấn. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch cơ cấu lại đội tàu khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ khai thác thủy sản. Tiếp tục phát triển khai thác thủy sản xa bờ hiện đại, bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục củng cố, thành lập mô hình tổ đội, hợp tác, doanh nghiệp khai thác thủy sản gắn với dịch vụ hậu cần trên biển. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh, phấn đấu 100% tàu cá được đăng ký, giảm số lượng tàu cá vùng ven bờ, vùng lộng; thực hiện quản lý, cấp phép khai thác theo hạn ngạch. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trên tàu cá để giảm thất thoát và nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác… 

Đối với nuôi trồng thủy sản, Bình Thuận sẽ xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện của từng địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng đối tượng nuôi (nước ngọt, lợ, mặn); đẩy mạnh nuôi hải sản trên biển với các loài có giá trị kinh tế cao. Nâng cao chất lượng tôm giống, phấn đấu sản lượng tôm giống đạt 25,5 tỷ post, qua đó nhằm giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận, khẳng định vị thế trung tâm cung ứng tôm giống quốc gia,…

Nam Linh

Bình Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo với chiều dài bờ biển khoảng 192 km. Đây cũng là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam. Bên cạnh việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên, Bình Thuận đang đẩy mạnh phát triển nuôi biển để giảm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngành thủy sản bền vững. Toàn tỉnh hiện có 7 khu vực biển đang triển khai nuôi trồng thủy sản, với tổng số 135 bè/3.029 lồng. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá biển như: cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè quỵt, cá bè đưng và các loại tôm hùm, với tổng sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 500 tấn.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!