La Gi hiện có hơn 2.000 tàu thuyền khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển với hàng ngàn lao động phụ thuộc vào hoạt động này. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác đạt 27.212 tấn, đóng góp hơn 1 triệu USD trong kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Mặc dù có một lượng lớn số người lao động, nhưng từ trước tới nay người lao động luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, các vấn đề an toàn lao động và nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng khác chưa được bảo vệ.
Tất cả cho ngày ra mắt
Vậy là sau một thời gian phối hợp xúc tiến vận động, tổ chức tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa việc phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn nghề cá, Nghiệp đoàn khai thác hải sản Phước Hội đã có thể ra mắt cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều ngư dân và chủ thuyền. Theo Liên đoàn Lao động thị xã, đến thời điểm này đã có 14 tàu thuyền/142 ngư dân làm đơn xin gia nhập nghiệp đoàn nghề cá và đã được hướng dẫn hoàn thành hồ sơ đăng ký là thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá thị xã. Ông Lê Ngọc Thơm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã cho biết, hiện nay mọi công tác chuẩn bị cho buổi lễ ra mắt đang được khẩn trương hoàn thiện. Trong khi đó, công tác tiến hành hiệp thương nhân sự Ban Chấp hành của nghiệp đoàn đã hoàn tất. Còn ông Nguyễn Đình Diễn – một chủ thuyền, đồng thời là thành viên Ban Chấp hành lâm thời của nghiệp đoàn cho biết, sau khi được vận động, tuyên truyền, giải thích những lợi ích của chủ thuyền khi tham gia nghiệp đoàn, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Trước đây, chúng tôi cứ mạnh ai nấy làm, không có tổ chức. Khi có việc cũng không biết kêu ai. Giữa chủ tàu và các thành viên lao động trên tàu không có sự ràng buộc, vì vậy rất khó giữ chân lao động làm việc lâu dài, ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất của chúng tôi. Giờ tham gia vào nghiệp đoàn, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nghĩa vụ của mình để đảm bảo lợi ích của chúng tôi.
Được hỗ trợ khi cần thiết
Khi tham gia vào nghiệp đoàn, các chủ tàu sẽ được hướng dẫn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Người lao động được tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành hợp đồng lao động, quy định của chủ tàu. Được kiến nghị hỗ trợ khó khăn theo các quy định của chính phủ; được ưu tiên hỗ trợ Quỹ Nhân đạo nghề cá Việt Nam. Người lao động, được tổ chức công đoàn hướng dẫn làm hợp đồng lao động với chủ tàu, chủ sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Được tham gia đóng góp và hưởng lợi từ các hoạt động của công đoàn như tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ nghề nghiệp; được cung cấp các tài liệu liên quan đến pháp luật Việt Nam khi hoạt động trên biển hay ưu tiên trợ giúp khó khăn thiên tai, rủi ro theo qui định… Với những lợi ích thiết thực trên, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều chủ tàu và lao động trên biển tham gia vào nghiệp đoàn – ông Lê Ngọc Thơm cho biết thêm.
Đình Nhượng
Theo Báo Bình Thuận