T4, 31/07/2024 04:38

Bình Thuận: Tăng tốc cho vụ cá nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn 10 ngày nay, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhiều tàu thuyền nằm dài ven sông Cà Ty dù đang vào vụ chính vụ cá nam. Hầu hết ngư dân đều sốt ruột bởi thời gian đánh bắt vụ chính không còn nhiều…

Đồng hành cùng ngư dân

Vụ cá nam thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 ÂL hàng năm. Đây là vụ đánh bắt hải sản mang lại thu nhập chính cho ngư dân trong năm. Tuy nhiên những ngày qua, thời tiết thay đổi bất thường, gió mạnh, sóng lớn trên biển và mưa lớn diện rộng. Ngành chức năng đã thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Vì thế, đa số tàu thuyền đánh bắt vùng lộng và ven bờ đều nghỉ biển đợi thời tiết tốt hơn, riêng những tàu đánh bắt xa bờ đang vươn khơi sẽ cập bến ở các tỉnh gần nhất, trú tránh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Đầu vụ cá nam, ngư dân đã tranh thủ vươn khơi khi thời tiết thuận lợi (ảnh: N. Lân)

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 7 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản, lượng tàu ra khơi đánh bắt không đều, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng giảm, chỉ đạt khoảng 23.000 tấn, giảm 0,54% so cùng kỳ năm trước. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển ven bờ và vùng lộng trong tỉnh, khu vực phía nam đảo Phú Quý, Côn Sơn, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng năm 2024 sản lượng ước đạt hơn 134.000 tấn, tăng 1,38% so cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là do đầu vụ cá nam, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tàu thuyền trong tỉnh đã liên tục vươn khơi và được nhiều mẻ cá tôm bội thu.

Chi cục Thủy sản đã tăng cường công tác dự báo tình hình thời tiết, cung cấp thông tin về ngư trường.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra chỉ tiêu sản lượng thủy sản đánh bắt đạt 239.000 tấn. Để đạt kế hoạch đề ra, ngành thủy sản đã thông báo đến các địa phương huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá nam, cung cấp các thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để ngư dân chủ động vươn khơi đánh bắt. Cùng với đó, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất tàu cá, đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại trong khai thác cũng như bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển. Toàn tỉnh hiện có trên 700 tàu cá cải hoán hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan (PU) để thay thế hầm bảo quản truyền thống, trên 100 tàu trang bị hầm cấp đông, chuyển giao mô hình sử dụng công nghệ hầm lạnh bảo quản sản phẩm bằng máy bảo ôn trên tàu hoạt động nghề lưới kéo. Ngoài ra, còn nhiều chủ tàu mạnh dạn áp dụng thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại, trang bị đèn led phục vụ cho việc khai thác xa bờ, mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ vậy, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển như thu mua hải sản, cung cấp nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để tăng hiệu quả khai thác, giảm chi phí sản xuất.

Ngư dân trong tỉnh lại háo hức vươn khơi với tâm thế trở về đầy ắp những mẻ cá tôm. Ảnh: N.Lân

Dồn sức chống khai thác IUU

Cùng với khuyến khích ngư dân vươn khơi khai thác vụ cá nam, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang dồn sức triển khai đồng bộ các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là thời điểm các bến cảng sẽ nhộn nhịp tàu thuyền ra vào, do đó rất phù hợp để ngành chức năng, Ban quản lý các cảng cá đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ nghiêm Luật Thủy sản 2017, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử cũng như dồn sức khắc phục các khuyến nghị của EC.

Theo Chi cục Thủy sản, để vụ cá nam năm nay giành được nhiều thắng lợi, Chi cục Thủy sản đã tăng cường công tác dự báo tình hình thời tiết, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân thực hiện các chính sách phát triển thủy sản như bảo hiểm tàu cá, duy tu, sửa chữa tàu cá, hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác trên các vùng biển xa… nhằm động viên ngư dân bám biển. Những năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tích cực. Tỉnh đã phê duyệt 1.436 tàu cá đăng ký hoạt động trên vùng biển xa, tổng kinh phí hỗ trợ trung bình hàng năm khoảng 250 tỷ đồng.

Đợt áp thấp nhiệt đới đã qua, ngư dân trong tỉnh lại háo hức vươn khơi với tâm thế trở về đầy ắp những mẻ cá tôm. Thời gian cho vụ cá nam không còn nhiều, cũng gấp rút như thời điểm đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam kiểm tra công tác IUU. Do đó, với sự quyết liệt, chạy đua từ ngành chức năng, hầu hết ngư dân trong tỉnh đã ý thức rõ hơn và đồng lòng tuân thủ theo Luật Thủy sản, các khuyến nghị của EC để ngành thủy sản trong tỉnh ngày càng lớn mạnh và nghề cá truyền thống dần đi vào nề nếp có quy củ.

Minh Vân

Nguồn: Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!