Toàn tỉnh Bình Thuận có đội tàu khai thác khoảng 7.800 chiếc; trong đó, 2.000 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 18.000 lao động; nhưng trình độ văn hóa của lực lượng này lại thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác.
Hiện, Bình Thuận có 2.000 tàu khai thác xa bờ với hơn 18.000 lao động – Ảnh: Trịnh Như Nguyệt
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, so với đánh bắt gần bờ, thì đánh bắt xa bờ đòi hỏi lao động phải có trình độ và kiến thức nhất định về nghiệp vụ để sử dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị máy móc. Nhưng cả tỉnh chỉ có duy nhất một chủ tàu có trình độ đại học chuyên ngành khai thác thủy sản; lực lượng lao động trong lĩnh vực này của tỉnh hiện nay hầu hết đều không qua trường lớp, chủ yếu là lao động phổ thông.
Theo đó, để giải quyết vấn đề này, ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh, Nhà nước cần quan tâm đúng mức việc đào tạo, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ thuật, kỹ năng lao động; Có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, tạo nguồn nhân lực ổn định; Cơ cấu lại ngành nghề theo hướng tăng nhanh các nghề đánh bắt chọn lọc mang tính hiệu quả cao; Phát triển sản xuất gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, đẩy nhanh việc cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị ngư cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Từ đó, tạo động lực khuyến khích người lao động theo nghề biển.