Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT – Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, các cơ quan có liên quan (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh) và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đạt kết quả, đúng thời gian quy định 4 nhiệm vụ cụ thể được giao trách nhiệm cho địa phương thực hiện tại công văn trên của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Theo đó, về quản lý tàu cá, kiểm kê, lập danh sách tàu cá không đủ điều kiện hoạt động như chưa đăng ký, chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chưa được cấp giấy phép khai thác và lắp thiết bị VMS… và giao cá nhân cụ thể thuộc cấp ủy, chính quyền cơ sở giám sát, quản lý vị trí tàu cá neo đậu. Phải đảm đảm bảo tất cả tàu cá tham gia hoạt động phải kẻ số đăng ký và đánh dấu tàu cá theo quy định. Đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, đề nghị ngư dân không lưu giữ ngư cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản trên tàu cá. Khẩn trương thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, cấp giấy phép khai thác, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định và cập nhật đầy đủ thông tin tàu cá trên Cơ sở dữ liệu Nghề cá Quốc gia (VNfishbase) và Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) đảm bảo kịp thời, đồng bộ và thống nhất.
Về giám sát tàu cá, thường xuyên đăng tải danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU lên cơ sở dữ liệu trên hệ thống VMS để các cơ quan thực thi pháp luật biết, kiểm tra, xử lý theo quy định. Đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động trên biển phải được kết nối với hệ thống VMS; thông tin của tàu cá (chủ tàu, vị trí, tình trạng hoạt động…) trên hệ thống VMS phải được theo dõi, xác minh, kiểm soát. Đảm bảo 100% tàu cá xuất bến, hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển phải đủ điều kiện theo quy định. Rà soát, sắp xếp hồ sơ tàu cá ra, vào cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng; giấy biên nhận, giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) theo hệ thống, dễ truy xuất và đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT đối với 100% tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng, cấp giấy SC tại các cảng cá theo quy định.
Về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, rà soát, đối khớp hồ sơ chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác từ khâu tàu cá khai báo ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng bốc dỡ tại cảng, giấy biên nhận bốc dỡ qua cảng, giấy SC, giấy CC và hồ sơ sản xuất tại doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU đảm bảo thống nhất, đúng quy định; đặc biệt đối với lô hàng (giấy CC) cá kiếm, cá ngừ đại dương (cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây ngực dài), bạch tuộc, mực nang, mực ống).
Về thực thi pháp luật, xử lý dứt điểm và tổng hợp hồ sơ xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ 10/2023 đến nay đã được xác minh thông tin. Củng cố hồ sơ để xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá tháo, gửi thiết bị VMS đã phát hiện tại địa phương…
Xác minh thông tin, xử phạt nghiêm, dứt điểm tàu cá vi phạm quy định duy trì kết nối hệ thống VMS và tàu cá vượt ranh giới được phép khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát hồ sơ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và trên các vùng biển để xử lý nghiêm trường hợp tàu cá có hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản…
Minh Vân
Nguồn: Báo Bình Thuận