Bình Thuận: Truy xuất nguồn gốc thủy sản: Khó cũng phải làm!

Chưa có đánh giá về bài viết

Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác là 1 trong 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kiểm tra khi đoàn sang Việt Nam lần 5 dự kiến vào tháng 10/2024. Tuy nhiên, hiện nay công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử vẫn còn hạn chế, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc. Nhật ký khai thác vẫn còn sai sót, mang tính hồi ký, thông tin chưa đồng bộ…

Triển khai phần mềm eCDT

Bên cạnh mạnh tay xử lý tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài; hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường quản lý tàu cá, thì công tác kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác là cơ sở để châu Âu gỡ “thẻ vàng” IUU. Bởi minh bạch hóa thông tin trong truy xuất nguồn gốc không những nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, mà còn là điều cần thiết đối với người tiêu dùng trong nước. Riêng đối với thủy sản, việc truy xuất nguồn gốc còn đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị của EC, cũng như đảm bảo giúp ngành thủy sản phát triển bền vững, minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị của EC (ảnh: N. Lân)

Từ tháng 1/2024, Cục Thủy sản đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai phần mềm Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN) từ cảng cá, ngư dân, thuyền trưởng, doanh nghiệp thu mua, chế biến nguyên liệu thủy sản đến các Chi cục, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá… Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc như: một số ngư dân không sử dụng điện thoại thông minh, phần mềm ứng dụng eCDT chưa chạy được trên nền tảng IOS, chỉ hỗ trợ đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, do đó số lượng chủ tàu thực hiện còn rất hạn chế. Đến nay, các cảng cá trên địa bàn tỉnh chỉ mới hướng dẫn, cài đặt thành công cho khoảng vài trăm chủ tàu/thuyền trưởng, doanh nghiệp, nên việc thực hiện yêu cầu khai báo rời cảng, cập cảng, viết nhật ký điện tử trên phần mềm cũng còn hạn chế.

Buổi tập huấn sử dụng hệ thống eCDT.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức tập huấn cho hơn 100 người là các chủ tàu, thuyền trưởng, đại diện các công ty, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản; đại diện các cơ quan chức năng liên quan sử dụng hệ thống eCDT trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, mục đích của lớp tập huấn là giúp các cơ quan, đơn vị chức năng sử dụng thành thạo Hệ thống phần mềm eCDT, đảm bảo vận hành Hệ thống eCDT thông suốt, đồng bộ, kết nối, liên kết dữ liệu quản lý, kiểm soát tàu cá, sản lượng qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Đồng thời, giúp các chủ tàu, thuyền trưởng, cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản sử dụng Hệ thống eCDT thành thạo để khai báo tàu cá ra vào cảng cá, xuất nhập bến, ghi nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; tạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng, giấy xác nhận, giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong truy xuất nguồn gốc thủy sản theo Khuyến nghị của EC.

Tàu cá từ 15m trở lên được bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: N.Lân

Cần sớm thực hiện đồng bộ

Hiện nay, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh đã đầu tư, trang bị các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành tương thích cho các cảng cá để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp truy cập, sử dụng hệ thống eCDT. Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh cho hay: Hệ thống phần mềm eCDT được triển khai sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, quy trình làm giấy tờ để xác minh lô hàng sẽ khách quan, đầy đủ và nhanh chóng hơn. Trước đây, mọi công việc có thể chỉ làm thủ công nên những thông tin, giấy tờ chưa chính xác hoàn toàn. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU gặp không ít khó khăn trong khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản. Do đó, hy vọng sau khi tập huấn, các đơn vị chung tay triển khai nhanh chóng, đồng bộ.

Hệ thống phần mềm eCDT được triển khai sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Ảnh: N.Lân

Yêu cầu hiện nay đối với việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc khai thác là 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, được bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc. Cụ thể là đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm… cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Khẳng định việc triển khai hệ thống phần mềm eCDT rất cần thiết, đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng triển khai đồng bộ để nâng cao tỷ lệ kiểm soát sản lượng, tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng kiến nghị Cục Thủy sản tiếp tục khắc phục các điểm hạn chế của phần mềm truy xuất nguồn gốc có thể sử dụng trên hệ điều hành IOS và áp dụng cho các cảng cá, điểm lên cá chưa được chỉ định theo quy định hiện hành.

Mục tiêu cao nhất là phát triển một nghề cá xanh, sạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững, đặc biệt phải gỡ được “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra dự kiến vào tháng 10 tới của EC. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết, quan trọng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo IUU 6 tháng đầu năm. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và các địa phương có biển giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay với tinh thần xử lý nghiêm, công khai, minh bạch, không có vùng cấm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống IUU.

Minh Vân

Nguồn: Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!