Còn 291 tàu “3 không”
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 2.804 tàu cá thuộc diện “3 không” có chiều dài từ 6 mét trở lên, trong đó đợt 1 là 2.531 tàu và đợt 2 theo Quyết định số 2132 ngày 9/12/2024 của UBND tỉnh là 273 tàu (Tuy Phong 142 tàu; Phan Thiết 64 tàu; Hàm Thuận Nam 3 tàu; La Gi 33 tàu; Hàm Tân 5 tàu; Phú Quý 26 tàu). Qua rà soát, có 82 tàu không đủ điều kiện, tính đến ngày 13/12, toàn tỉnh đã cấp đăng ký được 2.431 tàu cá theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT. Hiện nay, Chi cục Thủy sản đã cử nhóm công tác xuống tận địa bàn, phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký.
Như vậy, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 291 tàu cá “3 không”, chưa hoàn thành 100% theo thời hạn Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao (20/11). Trong đó, tồn đọng số tàu “3 không” nhiều nhất là địa bàn huyện Tuy Phong với 155 tàu. Tại cuộc họp BCĐ chống khai thác IUU tỉnh, ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, do trước đây việc mua bán tàu cá của ngư dân không có giấy tờ, sổ sách và bán qua nhiều người, nên công tác xác định chủ tàu gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp chính quyền cử người xuống tận nhà tìm 4 lần nhưng vẫn không gặp. Riêng 13 tàu từ 12 m trở lên, do yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện về bản vẽ thiết kế, đăng kiểm… mất nhiều thời gian, dẫn tới chậm tiến độ. UBND huyện sẽ cố gắng chỉ đạo trước 31/12 hoàn thành công tác đăng ký số lượng tàu “3 không” còn lại.
Ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ ngư dân thực hiện đăng ký tàu “3 không”.
Giải thích nguyên nhân công tác đăng ký chậm so với tiến độ, các địa phương khác cho rằng: Số tàu trên 12 m phải làm hồ sơ thiết kế thẩm định máy với chi phí hơn 10 triệu đồng/tàu, khiến nhiều ngư dân đắn đo vì đó không phải là số tiền nhỏ trong lúc biển giã ngày càng khó. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ quan khác là do ý thức chấp hành của một bộ phận ngư dân chưa nghiêm túc, cố tình trốn tránh không khai báo, chây ỳ, không thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận/cam kết ATTP theo quy định.
Lãnh đạo thị xã La Gi cũng thừa nhận, một số chủ tàu không hợp tác, cứ dây dưa không thực hiện việc đăng ký dù chính quyền đã hỗ trợ hết mức, kêu gọi nhiều lần. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng, các cảng cá, bến tạm chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, chưa nghiêm túc khi thực thi nhiệm vụ trong quá trình kiểm soát tàu ra vào bến; còn e ngại trong việc xử lý vi phạm, do đó tàu “3 không” vẫn cứ hoạt động dù không đủ điều kiện.
Hoàn thành trước 31/12
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các đơn vị, các ngành chức năng cần quyết liệt, đẩy mạnh việc đăng ký cho nhóm tàu cá “3 không” theo đúng quy định với tinh thần trách nhiệm, bài bản; chậm nhất hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, không thể chỉ vì một vài cá nhân chây ỳ, thiếu hợp tác mà làm ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh tế biển của cả tỉnh. Do đó, sau ngày 31/12/2024, các địa phương, các ngành chức năng phải kiên quyết xử phạt răn đe các chủ tàu cá “3 không” nếu vẫn chưa hoàn thành việc đăng ký do nguyên nhân chủ tàu cá không hợp tác, chây ỳ. Yêu cầu BCH Bội đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo kiên quyết không cho ngư dân và tàu cá xuất bến hoạt động nếu không thực hiện việc đăng ký.
Bên cạnh thảo luận sâu các hạn chế xung quanh việc thực hiện đăng ký tàu “3 không”, các thành viên BCĐ còn nhấn mạnh đến công tác xử lý vi phạm hành chính, nhất là xử lý tàu cá mất kết nối VMS trên biển rất ít. Từ đầu năm đến nay, tàu cá vượt ranh giới có 1 lượt/1 tàu (đã kêu gọi kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam); Tàu mất kết nối trên 10 ngày 163 lượt/163 tàu, phát hành 21 thông báo, xử phạt 24 tàu, đã xác minh 103 lượt/103 tàu, chưa xác minh 36 lượt/36 tàu. Qua xác minh tàu mất kết nối trên biển nhưng tàu đã về neo đậu tại cảng, sau đó tắt thiết bị giám sát hành trình, nhưng trên hệ thống vẫn báo tàu cá mất kết nối trên biển do vị trí cập nhật cuối cùng trước khi tắt máy tàu đang ở trên biển nên không có căn cứ xử phạt. Tàu mất kết nối trên 6 giờ: 1.150 lượt/640 tàu, phát hành 329 thông báo, đã xác minh 828 lượt/511 tàu, chưa xác minh 322 lượt/129 tàu. Theo Chi cục Thủy sản, qua xác minh nguyên nhân mất kết nối VMS, đa số không phải do chủ tàu, thuyền trưởng hầu hết các loại thiết bị VMS khi mất kết nối không có thiết bị cảnh báo, cũng như màn hình hiển thị để thuyền trưởng nhận diện và có giải pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, do tín hiệu hệ thống vệ tinh một số nhà mạng chưa ổn định; một số thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá lâu ngày nên xuống cấp, tín hiệu chập chờn… nên rất khó xử lý.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tổ liên ngành (Tổ trưởng là Sở NN&PTNT) cần ban hành dự thảo, xác minh từng trường hợp cụ thể tàu vi phạm mất kết nối VMS trên biển do chủ quan hay khách quan, để có cơ sở xử lý theo quy định. Tập trung rà soát, xác minh các trường hợp mất kết nối VMS và xử lý trước 31/12.
Minh Vân
Nguồn: Báo Bình Thuận