Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Đây thật sự là một tín hiệu vui cho nông dân xã Hòa Thắng nói riêng và người nuôi tôm trong tỉnh nhà nói chung. Đi đầu trong công tác thay đổi quy mô, cách thức nuôi tôm tại địa phương là anh Bùi Văn Tri, người “làm sống lại” nghề nuôi tôm tại Hòa Thắng.
Với 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm tại Phan Rang, anh là một trong những người tiên phong trong nuôi tôm công nghiệp ở vùng này, năm 2012, dịch bệnh tôm nuôi hoành hành, anh Tri không thụ động ngồi chờ mà chịu khó đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các vùng nuôi tôm trong và ngoài nước. Anh sang thăm các mô hình nuôi tôm bên Thái Lan để tìm những giải pháp, quy trình, công nghệ mới về ứng dụng nhằm phục hồi sản xuất. Nhờ tinh thần vượt khó, đặc biệt là biết thay đổi các tập quán canh tác cũ để đưa những tiến bộ công nghệ nuôi mới của anh đã mang lại kết quả khả quan.
Vụ đầu anh nuôi tôm trên 4 ao, diện tích 1,5 ha, thu sản lượng 15 tấn/ha. Sau thành công này, anh Tri tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm trên hai khu sản xuất của mình tại thôn Hồng Thắng, xã Hoà Thắng, với 10 ao, diện tích 5 ha. Anh Tri cho biết, sau khoảng 83 ngày tuổi, tôm đạt 60 con/kg, anh xuất bán được 70 tấn, giá bán 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, năm 2013 anh thu lợi nhuận 5 tỉ đồng.
Khách tham quan khu ao nuôi tôm thương phẩm của anh Tri
Qua thực tế sản xuất và học hỏi rất nhiều các mô hình cũng như tìm hiểu về đặc điểm sinh học, quá trình sinh trưởng, phát triển của con tôm anh rút ra kinh nghiệm: Với quy trình nuôi tôm hiện nay thì mọi yếu tố ảnh hưởng đến tôm nuôi đều có thể kiểm soát tốt, duy chỉ có điều kiện thời tiết như nhiệt độ, mưa bão, nắng hạn và địch hại từ trên không trung (chim, cò) là chưa chủ động được và đây là nguyên nhân khiến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh tôm chết sớm, mức độ rủi ro lai quá cao. Chính vì thế anh Tri đã quyết định xây dựng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (nuôi khoảng 1 tháng): tôm nuôi 1 tháng tuổi có tỷ lệ hao hụt cao, dịch bệnh xảy ra phổ biến nhất trong giai đoạn này. Bên cạnh đó trong giai đoạn này tôm nuôi có sức đề kháng yếu, dễ sốc và hao hụt hơn khi nuôi trực tiếp trong ao nuôi thương phẩm. Chính vì thế anh Tri đã thiết kế ao vèo khoảng 800 m2, lót bạt đáy HDPE chống rò rỉ, phía trên có lưới lan che kín, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giúp giữ nhiệt độ trong ao ổn định, cũng như hạn chế được những con mưa đầu mùa (thường rất bất lợi với ao nuôi tôm). Tôm giống được nuôi trong ao vèo từ 25 – 30 ngày tuổi, mật độ 800 – 1.000 con/m2. Trong thời gian này tôm con được chăm sóc kỹ lưỡng gần giống như môi trường trong trại sản xuất tôm giống, khi tôm mạnh khoẻ, tăng trưởng ổn định sẽ được thả ra ao nuôi lớn. Cách làm này giúp chủ động trong công tác chuẩn bị ao nuôi lớn được kỹ càng hơn, đảm bảo khi tôm được san thưa ra sẽ có điều kiện thích ứng tốt nhất với môi trường ngoài.
Giai đoạn 2: Tôm giống sau 25 – 30 ngày ương trong vèo chuyển ra các ao nuôi thương phẩm, với mật độ 200 con/m2. Ao nuôi tôm thịt được thiết kế kỹ lưỡng, không chỉ xử lý nước, môi trường bảo đảm các tiêu chuẩn quy định mà còn trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50 cm để ngăn không cho cua, còng hay các con vật gây hại vào đầm. Phía trên còn che lưới rào, ngăn chim, cò xuống ao. Việc làm này giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan gián tiếp từ các loài chim và các con vật khác từ bên ngoài.
Theo nhận định của anh Bùi Văn Tri, một lưu ý quan trọng là trong ao vèo cũng như ao nuôi đều cần có hệ thống ôxy đáy chạy suốt trong quá trình thả tôm nuôi nhằm bảo đảm cung cấp lượng ôxy cho tôm nuôi mật độ cao. Hơn nữa, muốn thả tôm với mật độ cao để nâng cao năng suất thì vấn đề trở ngại là hàm lượng ôxy không thể đáp ứng được nhu cầu của tôm kể cả khi sử dụng quạt nước thông thường kết hợp với máy sục khí. Chính vì thế trong năm 2013, anh Tri Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Thuận đã triển khai mô hình “Hệ thống máy thổi khí trong ao nuôi tôm”, chọn hộ gia đình anh Tri làm mô hình trình diễn, kết quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Tri, so sánh kết quả với mô hình nuôi cũ, chỉ dùng dàn đạp nước thì chi phí về năng lượng được giảm đến 30%, hơn nữa kết quả kinh tế rất cao: tôm nuôi được với mật độ cao, ít dịch bệnh xảy ra, quản lý cũng thuận lợi hơn.
Mô hình nuôi tôm của anh Tri đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều bà con nuôi tôm trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng và triển khai trong năm tới. Thành công bước đầu từ mô hình hệ thống máy thổi khí tại hộ gia đình anh Tri, Trung tâm KNKN Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai tại các địa phướng khác trong tỉnh.