(TSVN) – Ngày 18/7, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn các tỉnh Nam bộ. Theo đó, đề ra 6 nhiệm vụ chung của liên Bộ Công thương – Nông nghiệp thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể: Thứ nhất, các địa phương cần khẩn trương đánh giá tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ, kịp thời thông báo cho các Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ, kịp thời đưa ra những giải pháp giải quyết. Ngoài ra, các địa phương phải kê ra được cái gì mình thiếu, cái gì mình có, cái gì cần mua bán. Xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất, vai trò Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Thứ hai, chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bằng mọi giải pháp, hai Bộ cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa các vùng với cả nước. Đồng thời, điều tiết hàng hóa hợp lý từ những nơi dồi dào đến những nơi thiếu hụt một cách kịp thời. Cái gì cần bán cần kết nối với nơi cần mua và ngược lại. Có như vậy mới giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ.
Thứ tư, đối với những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa, cần báo cáo ngay về Tổ công tác Tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.
Thứ năm, lực lượng Quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch COVID-19.
Thứ sáu, các địa phương và Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ cần phối hợp truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, thường xuyên, trao đổi, phản ánh để nắm được những chỉ đạo từ hai Bộ, chế độ thông tin phải duy trì hàng ngày.