Cảng cá Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi công trình đã hoàn thành, chưa bàn giao thì gần như bị bỏ hoang.
Xuống cấp
Cảng cá Tư Hiền được xây dựng trong 6 năm (2004 – 2010) với tiền đầu tư 29 tỷ đồng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư. Đến nay, cảng này vẫn bị bỏ không; trong khi đến mùa mưa bão, tàu thuyền phải cấp tập tìm nơi ẩn nấp. Theo thiết kế, cảng cá gồm hơn 5 ha diện tích trên bờ và mặt nước. Công trình được xây dựng gồm bến neo dài 80 m, rộng 12 m, cách 4 m có một đệm tàu chống va đập; 2 bờ kè neo đậu tàu thuyền dài 310 m; 2 cầu dẫn dài tổng cộng 80 m, rộng 6 m. Ngoài ra, công trình đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường nội bộ dài gần 1 km với bê tông nhựa; sân bãi trong cảng bằng bê tông, nhà đặt máy bơm cấp nước, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, hệ thống điện đường, toàn bộ cổng tường rào, nhà vệ sinh, nhà để xe…
Thế nhưng, có mặt tại cảng cá Tư Hiền, hình ảnh dễ nhận thấy là nhiều công trình, hạng mục bị bỏ hoang phế, hư hỏng, xuống cấp trong thời gian dài. Ông Nguyễn Văn Nam, một ngư dân thôn Hiền An 1 (xã Vinh Hiền) cho biết, cảng cá này từ khi xây dựng đến nay gần như bị bỏ hoang, không ai quản lý nên xuống cấp rất nhanh. Một cảng cá hoành tráng nhưng từ khi xây dựng đến nay chỉ leo tèo vài tàu thuyền nhỏ ra vào quá lãng phí. Trong khi đó, đến mùa mưa bão, tàu thuyền chúng tôi phải vào các con lạch nhỏ neo đậu, di tản rất khổ sở, lại không an toàn.
Các hạng mục cảng Tư Hiền bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng
Từ công trình bến cảng, nhà điều hành, nhà vệ sinh được đầu tư khang trang đều bỏ hoang, hoen gỉ. Tại các trụ bê tông chân cảng cũng xảy ra hiện tượng nứt, hư hỏng, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Từ trên cảng cá, chỉ có một vài tàu thuyền nhỏ vào đậu.
Ngoài mục đích xây dựng làm nơi dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá Tư Hiền còn là nơi cập bến các tàu quân sự trong khu vực phòng thủ bờ biển. Từ khi khánh thành vào cuối năm 2010, cảng được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao cho đơn vị Cảng cá Thừa Thiên – Huế (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh) quản lý và điều hành. Cũng từ đó đến nay, cảng cá gần như bị bỏ hoang.
Lãng phí tiền tỷ
Nhiều ngư dân cho biết, có nghịch lý khi thiết kế cũng như xây dựng Cảng cá Tư Hiền, khiến cảng không phát huy được tác dụng. Cảng được xây dựng với bờ cảng cao, mục đích phục vụ tàu quân sự, thuyền công suất 500 CV trở lên; mặt khác, ngư dân trong huyện chỉ sở hữu thuyền nhỏ nên cập cảng rất khó. Bên cạnh đó, việc khai thác cảng cá không hiệu quả là do cảng được xây dựng gần cửa biển Tư Hiền (cách chừng 500 m), trong khi cửa này đang bị bồi lắng, các tàu nhỏ ra vào đã khó, nên không thu hút được tàu thuyền địa phương khác vào neo đậu; nơi xây dựng cảng nằm trong vùng biến đổi địa tầng cao, thủy triều lên xuống đột ngột nên tàu thuyền ra vào không thuận lợi.
Ông Nguyễn Viễn, một ngư dân ở thôn Hiền An 2 cho biết, thuyền đánh cá của ngư dân chủ yếu là thuyền nhỏ, bờ cầu cảng lại cao nên ra vào neo đậu khó khăn. Cứ đến mùa mưa bão, phải tìm các lạch nhỏ mà vào, nơm nớp lo tàu thuyền bị đắm, hư hỏng. Một thực trạng chung ở Thừa Thiên – Huế là đến mùa mưa bão, trong khi các cảng, âu thuyền chỉ đáp ứng được 60 – 70% nhu cầu neo đậu, tàu thuyền phải “tùy nghi di tản” thì có nhiều cảng cá lại bỏ không hoặc không phát huy hiệu quả, không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn làm cho ngư dân điêu đứng vì phải cho tàu thuyền di trú nơi khác.
Cảng cá tiền tỷ nhưng chỉ lèo tèo thuyền nhỏ của ngư dân neo đậu – Ảnh: Tá Linh
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Cảng cá Thừa Thiên – Huế thừa nhận: Cảng xây xong, chưa được bàn giao đã xuống cấp, không hoạt động được, do hạ tầng điện, nước, nhân viên chưa có. Những hạng mục có thì đã xuống cấp, cần kinh phí sửa chữa mới hoạt động được. Theo ông Nhuận, vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí (500 triệu đồng) để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của công trình cảng cá; sau khi có kinh phí sửa chữa xong mới đưa công trình vào khai thác được.
>> Không chỉ cảng cá Tư Hiền, âu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) hoạt động từ tháng 9/2011, đáp ứng neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền 20 CV trở lên. Thế nhưng từ đó đến nay, do luồng lạch bị bồi lắng, cạn, đã hàng chục tàu thuyền bị mắc cạn, phải thuê tàu kéo. |