Sáng 4/6/2015, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Lễ công bố chính thức mở rộng thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường chính thức kết nối vào hệ thống dữ liệu một cửa quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa là quan điểm nhất quán của Chính phủ. Trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng luôn hỏi tiến độ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trong quá trình triển khai hệ thống thông tin một cửa quốc gia, bộ, ngành nào làm sai quy trình thì sửa, nhất quyết không sợ sai. Bộ nào chưa quen thì làm từ từ từng bước. Hiện, Chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ kinh phí thực hiện, dự kiến phân bổ 60 tỉ đồng ngân sách triển khai dự án.
Trong lần kết nối này, Bộ NN&PTNT sẽ thí điểm 9 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan thuộc Bộ bao gồm: Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Theo dự kiến đến cuối năm 2015, Bộ NN&PTNT mới thực hiện thí điểm hải quan một cửa quốc gia giai đoạn 2. Nhưng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Chính phủ, Bộ NN&PTNT quyết tâm thực hiện từ tháng 6/2015 và đến hết tháng 9/2015 sẽ kết nối 9 thủ tục. Tuy nhiên, hiện Bộ đang gặp phải khó khăn là chưa được bố trí kinh phí để thực hiện dù dự án đã phê duyệt với khoảng 17 tỷ. Theo đó, Thứ trưởng Tám kiến nghị: Trong khi chưa có vốn thì đề nghị Chính phủ cho Bộ NN&PTNT chỉ định Viettel triển khai trước và sau đó bố trí vốn sau.
Kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN là nhu cầu nội tại của Việt Nam với mục tiêu cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện kết nối Cơ chế một cửa không chỉ đáp ứng ý nghĩa cam kết, nhiệm vụ quốc tế mà còn xuất phát từ lợi ích thúc đẩy thương mại, hợp tác kinh tế của nước nhà…
Được biết, trước đó, vào cuối năm 2014, việc kết nối dữ liệu một cửa quốc gia đã được thực hiện ở Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.