(TSVN) – Ngày 27/2/2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 1022/BNN-TCTS trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về quy định bằng máy trưởng đối với tàu, thuyền từ 12 m đến dưới 24 m.
Theo kiến nghị của cửa tri Bình Định, việc quy định tàu thuyền từ 12 m đến dưới 24 m phải có bằng máy trưởng (theo Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT) là chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, gây khó khăn rất nhiều cho người dân hành nghề đánh bắt thủy sản do không đáp ứng được các quy định trên. Cử tri kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét sửa đổi Thông tư nêu trên, tạo điều kiện cho ngư dân hành nghề.
Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, các cơ quan liên quan của Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động đánh bắt thủy sản, góp phần làm giảm đáng kể số vụ tai nạn tàu cá so với trước đây. Tuy nhiên, số vụ tai nạn tàu cá trên toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020 vẫn ở mức cao là trên 870 vụ, làm chết 113 người, mất tích 342 người và bị thương 292 người, trong đó tai nạn tàu cá do bị hỏng máy, vỏ chiếm tỷ lệ cao nhất tới 72%. Máy hỏng khi tàu đang hoạt động trên biển dẫn đến tai nạn do tàu cá bị trôi dạt, va đá ngầm hoặc bị sóng đánh chìm.
Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, giảm thiểu tai nạn trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, việc quy định văn bằng, chứng chỉ máy trưởng bắt buộc đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 – 24 m tại Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT là phù hợp với quy định tại Điều 74 Luật Thủy sản, Luật Hàng hải, Luật Giao thông đường thủy nội địa và tình hình thực tế vận hành, sử dụng tàu cá hiện nay.
Tính đến 31/12/2020, công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá tại hầu hết các tỉnh cơ bản đã đáp ứng được số lượng theo yêu cầu, Bộ NN&PTNT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên môn tại địa phương tiếp tục tuyên truyền, phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá, đảm bảo số lượng theo yêu cầu tại địa phương.