Đánh bắt thủy sản nội địa (ĐBTSNĐ) ở ĐBSCL phân tán ở nhiều môi trường khác nhau, tạo sinh kế cho nhiều lao động trực tiếp, gián tiếp; là nguồn cung cấp thức ăn cho phép cộng đồng dân cư có nguồn bổ sung dinh dưỡng khá ổn định. ĐBTSNĐ ở khu vực này cũng gắn liền với văn hóa và tạo những vai trò bổ sung cho các thành viên trong gia đình. Để đánh giá quy mô, giá trị của ngành ĐBTSNĐ là công việc khó khăn và phức tạp.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2009, ĐBTSNĐ ở Việt Nam đạt 190.000 tấn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng thủy sản đánh bắt. Gần như chắc rằng, đây là đánh giá thấp nếu xem xét các nghiên cứu khác tính toán sản lượng ĐBTSNĐ một cách gián tiếp và dựa trên mức tiêu thụ của người dân (Hortle, 2007). Nghiên cứu này ước đoán, sản lượng ĐBTSNĐ ở ĐBSCL đạt khoảng 852.000 tấn/năm, trong đó 19% là các loài thủy sản khác (không phải cá) từ những vùng ngập lũ và ruộng lúa. Dựa trên nghiên cứu này, sản lượng ĐBTSNĐ ở ĐBSCL chiếm đến 40% sản lượng ĐBTSNĐ của cả nước.
Việc các chất ô nhiễm chảy vào vùng nước nội địa, thay đổi trong quản lý lưu vực các con sông là những mối đe dọa chủ yếu đối với ngành này. Các chính sách kinh tế hiện hành của Việt Nam đang hướng đến hỗ trợ sự phát triển có tính công bằng, bền vững, xóa giảm đói nghèo, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên và chất lượng môi trường sống, bảo vệ các nhóm cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương và hình thành các kế hoạch ứng phó với BĐKH cho các ngành sản xuất chủ chốt. Tuy nhiên, đến nay, các quy định và văn bản pháp luật liên quan đến kế hoạch quản lý ĐBTSNĐ vẫn cần phải được giải quyết một cách thỏa đáng.
Mặc dù còn thiếu những số liệu thống kê tin cậy, song vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ĐBTSNĐ có vai trò quan trọng đối với cộng đồng nghèo, chịu thiệt thòi ở nhiều vùng của Việt Nam, không chỉ đối với những người đánh bắt mùa vụ mà cả với những hộ gia đình xem công việc này là một phần quan trọng trong sinh kế. Vai trò của ngành ĐBTSNĐ ở vùng hạ lưu sông Mê Kông vẫn chưa được phản ánh đầy đủ và chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của cộng đồng khoa học và chính phủ, dẫn đến sự thiếu nhận thức đầy đủ về vai trò của ngành ĐBTS đối với an ninh lương thực. Theo đó, trong tương lai, có thể bắt đầu chuẩn bị một bản tổng kết về ngành ĐBTSNĐ, trong đó nhấn mạnh những lập luận khoa học về ảnh hưởng của ngành này đối với cộng đồng dân cư nghèo, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Có thể tiến hành những hành động để tăng cường sự phát triển của ngành ĐBTSNĐ như: (1) thu thập số liệu về ĐBTSNĐ thông qua phát triển và tăng cường các dự án quản lý và khoa học để ngành được đặt đúng trong quy hoạch vùng và trong việc cân nhắc lựa chọn phát triển (2) xác định các biện pháp quản lý phù hợp với các vùng nước nội địa; và (3) đưa ra các biện pháp giúp duy trì hệ sinh thái thông qua việc bảo vệ môi trường nội địa và đa dạng sinh học liên quan.