(TSVN) – Bột côn trùng không còn là thành phần thức ăn thủy sản mới lạ. Tuy nhiên, bổ sung không đúng liều lượng vào thức ăn cho cá, đặc biệt là các khẩu phần chứa đậu tương hàm lượng cao có thể dẫn đến việc phản tác dụng của bột côn trùng.
Các nhà nghiên cứu quốc tế từ phòng thí nghiệm Vikas Kumar (Đại học Idaho, Moscow) đã đánh giá các hiệu lực của bột côn trùng khi được bổ sung vào những khẩu phần ăn chứa hàm lượng đậu tương cao dành cho cá hồi vân giống (Oncorhynchus mykiss).
Khẩu phần cơ bản (đậu tương) với hàm lượng protein đậu tương hàm lượng cao (21% khô đậu, khô đậu kết hợp 4 – 5% đạm đậu nành cô đặc, SPC) được so sánh với các khẩu phần công thức chứa đậu tương bổ sung bột côn trùng bổ sung ở hàm lượng thấp (8%) và cao (16%). Hai nghiệm thức này lần lượt gọi là khẩu phần đậu tương + bột côn trùng hàm lượng thấp và đậu tương + bột côn trùng hàm lượng cao. Một khẩu phần đối chứng chứa bột cá hàm lượng cao (24%) cũng được sử dụng để so sánh. Tất cả các khẩu phần đều được xây dựng theo công thức nitrogenous (44%) và isolipidic (20%), lặp lại 3 lần trên các đối tượng thử nghiệm là cá hồi vân giống có trọng lượng ban đầu 32 g. Thử nghiệm kéo dài 10 tuần.
Nhóm cá hồi ăn khẩu phần đối chứng dương đạt trọng lượng thân cuối, tăng trọng (% GW) và tốc độ tăng trưởng riêng (SGR) đều cao hơn đáng kể so với nhóm cá ăn khẩu phần đậu tương + côn trùng hàm lượng cao và nhóm ăn đậu tương. Tuy nhiên, các thông số này không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm cá ăn khẩu phần đậu tương + bột côn trùng hàm lượng thấp.
Nhóm cá ăn khẩu phần đậu tương và đậu tương + bột côn trùng hàm lượng cao cho thấy, trọng lượng thân cuối, % GW và SGR đều thấp hơn đáng kể. Hiệu quả sử dụng thức ăn và protein ở nhóm cá được ăn khầu phần đối chứng dương chứa bột cá cao hơn đáng kể, tiếp đến là nhóm cá ăn đậu tương + bột côn trùng hàm lượng thấp và sau cùng là nhóm cá ăn đậu tương + bột côn trùng hàm lượng cao.
Trong số các chỉ số tế bào sinh dưỡng, chỉ số điều kiện sống (CF) phần lớn bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung bột côn trùng. Nhóm cá ăn khẩu phần đậu tương + bột côn trùng hàm lượng cao có chỉ số CF thấp hơn hẳn so với các nhóm nghiệm thức khác.
Bổ sung bột côn trùng đã làm tăng đáng kể lượng axit amin toàn thân gồm thành phần arginine, histidine, valine và threonine. Ngoài ra, bột côn trùng cũng làm tăng đáng kể thành phần axit α-linolenic – một loại axit thiết yếu cho sự phát triển và tăng trưởng của cá. Tuy nhiên, thành phần axit α-linolenic ở những con cá được ăn đậu tương + bột côn trùng hàm lượng cao lại không khác biệt đáng kể so với nhóm cá ăn khẩu phần đối chứng dương (bột cá). Bổ sung bột côn trùng không ảnh hưởng đáng kể đến EPA+DHA, n-3 PUFA và thành phần axit béo không bão hòa đơn trong phần cơ thịt của cá. Trong khi, hàm lượng EPA/DHA và tổng axit béo không bão hòa đơn cao nhất được phát hiện ở nhóm cá ăn khẩu phần đối chứng dương chứa bột cá.
Các mẫu biểu hiện gen gan của ezyme Δ-5 desaturase ở nhóm cá ăn khẩu phần đậu tương + bột côn trùng hàm lượng thấp cao hơn hẳn các nhóm nghiệm thức khác, trong khi enzym Δ-6 desaturase và axit béo synthase (FAS) ở nhóm cá được cho ăn khẩu phần đậu tương (cơ bản) và đậu tương + bột côn trùng hàm lượng thấp cao hơn hẳn các nhóm khác. Enzyme enlongase và các protein gắn axit béo (FABP) đã không bị tác động khi bổ sung bột côn trùng vào thức ăn. Về tiềm năng kháng ôxy hóa, khẩu phần đậu tương cho các kết quả hoạt tính của các enzyme chống ôxy hóa (SOD) cao hơn hẳn so với nhóm cá ăn bổ sung bột côn trùng và nhóm đối chứng dương. Hoạt tính của enzyme kháng ôxy hóa glutathione peroxidase (GPX) ở nhóm ăn khẩu phần đậu tương + bột côn trùng hàm lượng cao giảm mạnh hơn so với các nhóm khác.
Do đó, các chuyên gia nghiên cứu đã kết luận bổ sung bột côn trùng ở hàm lượng thấp 8% có lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi axit béo cho thức ăn chứa đậu tương dành cho cá hồi vân.
Dũng Nguyên
Theo Thefishsite