(TSVN) – Nhờ chuyển đổi vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh sang nuôi cá chim trắng vây vàng, nhiều hộ dân tại Hà Tĩnh đã đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Tại Hà Tĩnh, nhiều hộ dân đã triển khai mô hình nuôi cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Lê Thị Khuyên (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đã triển khai thả giống cá chim vây vàng với quy mô 5.000 m².
Theo chị Khuyên, sau hơn 2 tháng thả nuôi, cá chim trắng vây vàng đang phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu ở Hà Tĩnh, trọng lượng trung bình đạt 0,2 – 0,3 kg/con. Cá mới thả phải nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, khi lớn lên có thể trộn thức ăn công nghiệp với cá tươi hoặc cho ăn hoàn toàn bằng cá tươi thái nhỏ. Gia đình dự định khi cá có số đạt trọng lượng từ 0,6 – 0,8 kg/con sẽ bắt đầu thu tỉa để xuất ra thị trường.
Trong khi đó, anh Trần Quốc Đức (thôn Vĩnh Thịnh, xã Thạch Lạc, Thạch Hà) cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài ao nuôi của gia đình, anh đã mạnh dạn thuê thêm những ao hồ bị bỏ hoang tại vùng ven đê Hữu Ngạn, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để chuyển sang nuôi cá chim vây vàng trên tổng diện tích 1,5 ha.
Anh Đức cho biết, nuôi cá chim trắng vây vàng chi phí không cao, ít xảy ra dịch bệnh nên hạn chế được nhiều rủi ro cho người nuôi. Với giá bán từ 140 – 150.000/kg và thị trường ổn định, 1 ha diện tích nuôi cá chim trắng vây vàng có thể mang lại lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thả nuôi cá chim trắng vây vàng, người nuôi cần phải chú trọng cải tạo ao nuôi kỹ, rắc vôi, xử lý mầm bệnh và vi sinh vật có hại. Sau khi thả, chú trọng đảm bảo lượng oxy, nhiệt độ phù hợp vì loài này chỉ sinh trưởng, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 26 – 32ºC.
Sau nhiều vụ liên tiếp nuôi tôm thất bại vì dịch bệnh, thị trường bấp bênh, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển đổi ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá chim trắng vây vàng. Điển hình là hộ ông Phạm Đình Thiên (thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh). Ông Thiên đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 2 ha ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá chim trắng vây vàng.
Thả giống tại mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm
Cá chim trắng vây vàng có khả năng thích nghi cao, có thể sống ở mức độ mặn từ 2% đến 45%, khá dễ nuôi ở nhiều môi trường khác nhau. Vì thế, loài này rất thích hợp để nuôi thay thế tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú kém hiệu quả, bị nhiễm dịch bệnh.
“Qua thực tiễn sản xuất, tôi nhận thấy loài cá này là đối tượng nuôi thực sự có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, mỗi vụ tôi thả nuôi 15.000 con cá giống, thời gian nuôi 6 tháng cá đạt kích cỡ 0,5 – 0,7kg/ con, mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng/vụ. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ chuyển đổi thêm một số diện tích ao hồ khác của gia đình sang nuôi loài cá này”, ông Thiên chia sẻ.
Tại huyện Cẩm Xuyên, mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP trên vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh của ông Nguyễn Văn Mai (tổ dân phố Yên Hà, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) với quy mô 0,5 ha là hộ đầu tiên được chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng thương phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh.
Thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ diễn biến phức tạp nên việc tận dụng ao bị bỏ hoang để nuôi cá biển nói chung và cá chim vây vàng nói riêng tại Hà Tĩnh đang trở thành giải pháp thiết thực góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Anh Vũ