Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Tôi yêu Thủy sản, tôi yêu Kiểm ngư, còn bạn thì sao?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là lời mở đầu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư do Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư tổ chức sáng ngày 29/03/2024.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trọng trách Tam Sơn Tứ Hải nhất phần điền, trọng trách giữ gìn bảo vệ phát triển bền vững vùng nước, vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư, cùng bà con ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, người dân gắn bó với ngành nghề thủy sản. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư. Ảnh: HT

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng chia sẻ: Thực hiện lời dạy của Bác, 65 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngành thủy sản không chỉ khẳng định là một ngành kinh tế biển truyền thống, mà còn từng bước phát triển thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng cho bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tham gia xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân cả ở vùng nông thôn ven biển, vùng núi, trung du và Tây nguyên. Sự hiện diện thường xuyên của trên một triệu bà con ngư dân và hơn 84.000 tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển, là những cột mốc sống, đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”, 65 năm qua ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh toàn diện và ổn định trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, hội nhập trên cơ sở bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, chủ trương thành lập lực lượng Kiểm ngư đã được thông qua. Năm 2024, đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và với bao nhiêu câu chuyện quan trọng ý nghĩa khác. Qua những thành tựu đạt được ngành thủy sản cùng với lực lượng Kiểm ngư tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia “mạnh từ biển, giàu từ biển” nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân và của toàn thể người dân Việt Nam.

Chiến lược phát triển thủy sản, kinh tế biển Việt Nam; Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững; hội nhập bền quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng và hiệu quả.

Công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội, phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thủy sản với cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.

“Phía trước chúng ta là hải trình hướng đến mục tiêu “một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm bền vững và hội nhập vì thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau”; Phía trước chúng ta là 3 trụ cột trong Chiến lược kinh tế thủy sản, giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển; Phía trước chúng ta là chiến lược “Tam Ngư” cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên: ngư nghiệp ngư dân, ngư trường; phía trước chúng ta là sức mạnh của thiết chế cộng đồng, đồng quản lý nguồn lợi thủy sản,  một thiết chế phát huy sức mạnh ngư dân trên biển; Phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ Thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng chia sẻ.

“Xin gửi lời chúc đến ngành thủy sản Việt Nam bền vững trong phát triển, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập. Xin gửi lời chúc lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh”.

“Xin gửi tặng quý vị câu danh ngôn mỗi chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm. “Chúng ta cảm thấy điều chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước đại dương nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu đi giọt nước ấy”. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản bền vững. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái”. 

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!