DN thủy sản bức xúc vì tôm sú xuất khẩu bị bơm tạp chất, cắm tăm tre, tăm dừa… khiến khách hàng Nhật tẩy chay, chuyển sang mua tôm sú Philippines và Indonesia dù giá cao hơn tôm VN.
Xuất khẩu giảm thê thảm
Tại phiên hội thảo Ngành hàng thủy sản – năng lực cạnh tranh và ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 27/5, bà Lê Hằng- Phó giám đốc trung tâm Vaseppro (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) cho biết xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16,1%. Trong đó xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD, giảm 25%; xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, giảm 11,5%.
Xuất khẩu giảm mạnh, nhưng diện tích tôm sú tại ĐBSCL tăng cả về diện tích và sản lượng lần lượt là 1,59%; 4,3%.
Dự báo trong năm 2016, xuất khẩu thủy sản cũng phải đối mặt với không ít thách thức như hạn hán, nhiễm mặn, thuế chống bán phá giá cá tra, tôm cao, giá nguyên liệu tăng khó cạnh tranh…
Tuy nhiên ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng số liệu đó không phản ánh thực trạng sản xuất nuôi tôm Việt Nam. Thực ra sản lượng tôm sú 4 tháng đầu năm 2016 tăng là do lượng tồn kho của 2015 chuyển qua chứ không phải tăng do sản xuất. Tại các nhà máy chế biến chỉ bằng 30- 50% so với cùng kỳ năm 2015.
“Chúng tôi đi về tận ao nuôi để điều tra, diện tích thả giống từ đầu năm đến giờ chỉ được khoảng 20%, nhiều hộ đã phải treo ao”, ông Phú nói.
Bên cạnh đó, ông cũng rất bức xúc trước tình trạng tôm sú đang đối mặt với nạn bơm tạp chất, cắm tăm tre, tăm dừa.
“Khi tôi sang công tác ở Nhật, khách hàng Nhật nói vì tình trạng như vậy nên họ không mua tôm sú Việt Nam mà chuyển sang mua tôm sú Philippines và Indonesia mặc dù giá tôm sú của hai nước này cao hơn Việt nam từ 2- 3 USD. Nhiều khách hàng lớn của các nước cũng từ chối mua tôm sú của Việt Nam”, ông Quang nói.
Ông Quang cho biết, giá tôm sú năm 2015 giảm thê thảm và hiện nay cũng rất thấp. Tôm sú quảng canh của Việt Nam rất ngon nhưng chỉ vì một vài thương lái làm ăn gian dối, gian lận làm mất thương hiệu, khách hàng từ chối không mua khiến hàng tồn kho, doanh nghiệp phải giảm giá bán.
“Giá tôm sú của Indonesia, size 16- 20 là 15,8 USD, trong khi đó mình năn nỉ gãy lưỡi bán cho Nhật may ra mới được 13 USD”, ông Quang dẫn chứng.
Ông Quang cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Để “cứu” lấy doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng, ông đã phải áp dụng biện pháp theo dõi quá trình nuôi, trước khi thu hoạch cho người đến lấy mẫu kiểm tra, giám sát, niêm phong xe chở về nhà máy.
“Việc giám sát đến từng hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó nhưng tôm về đến nhà máy đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên chi phí bị đội lên. Theo tính toán của chúng tôi, từ giám sát ao, áp tải xe vì sợ tráo hàng, tiền kiểm kháng sinh, giám sát mất 8.400 đồng/kg. Chi phí cao, làm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp kém đi”
Ông Quang cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với thách thức, rủi ro. Không còn con đường nào khác cứu con tôm bằng cách thành lập các chuỗi giá trị có trách nhiệm, để thương lái thu gom, nuôi trồng phải có trách nhiệm với sản phẩm công việc của mình, để họ thấy được nếu làm ăn gian dối là tự lấy dao đâm vào mình.
“Chuyện bơm tạp chất, bản thân tôi và Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản cũng đã đấu tranh 20 năm nay mới thắng lợi, đến 1/7 này việc dùng kháng sinh sẽ xử lý hình sự, hi vọng từ đây tình trạng bơm tạp chất sẽ chấm dứt”, ông Quang nói.
Gánh vàng ra biển đổ
Tại phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung đạt 6,7 tỷ USD năm 2015 nhưng Việt Nam phụ thuộc 70- 80% thức ăn chăn nuôi của nước ngoài.
Riêng về cá tra, cá ba sa, Việt Nam được đánh già là một mình một thị trường, sản xuất rất lớn. Đáng lý ra chúng ta có quyền quyết định về giá nhưng chúng ta không làm được điều đó. Đã có lúc giá xuống thấp khiến người nuôi phải bỏ ao. Lý do chính là gì?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra cho rằng, Việt Nam thiếu sự liên kết giữa những người chế biến, thiếu tính cộng đồng.
TS. Nguyễn Việt Thắng bức xúc: “Liên kết giữa những nhà chế biến với nhau rất kém. Ông cha ta nói buôn có bạn, bán có phường nhưng chúng ta nói như thế nhưng không bao giờ làm như thế. Nếu không xây dựng những nhóm như thế này thì giá cá tra còn xuống nữa.
Kể lại câu chuyện của mình với bạn hàng, ông Lê Văn Quang cũng chia sẻ: “Chúng ta đã có lúc đưa ra quy định giá sàn nhưng lại thối lại cho khách hàng 20 cent, 30 cent. Họ nói mua cá Việt Nam rẻ nhưng chưa bao giờ có lời tại vì vừa mua giá 4 USD nhưng đang đi nửa đường đã có người bán 3,8 USD, hình thành thị trường 3,5 USD.”
Chính vì thế mới dẫn đến cây chuyện vì sao cá lại giảm giá nhanh như vậy: “Khi tôi làm việc với khách hàng, họ nói cá tra, cá ba sa Việt Nam ngon, họ rất thích, giá 10 USD vẫn rẻ, nhưng bây giờ chỉ còn dưới 3 USD. Họ nói Việt Nam giống như gánh vàng ra biển đổ”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Nguyên Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản cho rằng giá cá giảm nhanh do cung cầu, nguyên nhân chính đẩy sản lượng lên quá nhanh. Lúc đầu 100- 200 nghìn tấn, trong vài năm sau đẩy lên vài triệu tấn. Lợi nhuận ngày càng thấp khiến người nuôi lại chuyển sang giai đoạn 2 là làm hàng kém chất lượng, tăng mạ băng….
Trước những thách thức trên, ông Quang kiến nghị, Bộ NNPTNT cần có các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thực về tôm sạch cho người nuôi; Xem xét lại chính sách tạm nhập tái xuất nguyên liệu qua biên giới với Trung Quốc; Rà soát cấp phép và kiểm soát giá, chất lượng vật tư cung cấp cho sản xuất, thực hiện thanh tra xử lý mạnh tay nếu vi phạm….
Chủ tịch Hiệp hội cá tra cũng kiến nghị, Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công thương cho phép Hiệp hội có quyền công bố danh sách các thành viên trong Hiệp hội không tuân thủ các cam kết/quy chế/điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững; đồng thời ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách. Đồng thời, các phòng thương vụ ở nước ngoài phải hỗ trợ thông tin thị trường cho các Doanh nghiệp, hiệp hội.