Bốn giai đoạn tự hào của ngành thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác căn dặn “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Thể theo nguyện vọng của ngành thủy sản và bà con ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1 tháng 4 hàng năm là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam. Trong 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập, trải qua 4 giai đoạn chính với những thành tựu nổi bật.

Giai đoạn thứ nhất từ năm 1959 – 1975 

Đây là giai đoạn đất nước có chiến tranh, cán bộ và ngư dân ngành thủy sản cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Trong chính giai đoạn cam go này, năm 1960, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông Lâm được thành lập. 

 Giai đoạn này, kinh tế hợp tác xã chiếm tỷ trọng lớn trong nghề cá biển. Thông qua phong trào hợp tác hóa, nghề cá du nhập công nghệ mới, cơ giới hóa thuyền nghề, ni lông hóa lưới sợi. Các đoàn tàu đánh cá Việt – Xô, Việt – Trung, Việt – Đức, Việt Triều được thành lập, các nhà máy đồ hộp Hạ Long, cơ khí Hạ Long, cơ khí Vật Cách… tạo nền tảng ban đầu cho công nghiệp nghề cá Việt Nam. Sản lượng khai thác cá biển thời kỳ 1960 – 1965 đạt 110.000 – 130.000 tấn/năm. Các năm 1966 – 1975, trong tình hình có chiến tranh, sản lượng khai thác cá biển vẫn đạt 60.000 – 100.000 tấn/năm.

Giai đoạn năm 1990, các đối tượng nuôi thủy sản khác cũng ngày càng đa dạng hơn, mạnh nhất là tôm thẻ chân trắng. Ảnh minh họa.

Từ năm 1963, các nhà khoa học thủy sản đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá mè, trắm, chép, trôi, mrigan, rô phi… Sản xuất tôm giống nhân tạo cũng đã thành công bước đầu, mở ra triển vọng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản sau này. Cũng năm 1963, sản phẩm của Nhà máy cá hộp Hạ Long được xuất khẩu. Năm 1971, những sản phẩm thủy sản đông lạnh Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khu vực II (Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông).

Giai đoạn thứ hai 1976 – 1986 

Trước đòi hỏi khách quan và bức thiết phát triển nghề cá biển, trong kỳ họp đầu tiên năm 1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất đã thành lập Bộ Hải sản. Năm 1981, Bộ Hải sản được tổ chức lại thành Bộ Thủy sản.

Đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng của ngành thủy sản trong bối cảnh đất nước thống nhất, kinh tế thủy sản bắt đầu được chăm lo phát triển để manh nha một ngành kinh tế kỹ thuật.

Giai đoạn đầu (1976 – 1980), do hậu quả nặng nề của chiến tranh và do cơ chế quản lý chưa phù hợp, tiêu thụ theo cách giao nộp sản phẩm, đánh giá kết quả theo khối lượng hàng hóa, không chú trọng giá trị sản phẩm, động lực thúc đẩy sản xuất thủy sản hạn chế, kinh tế thủy sản sa sút nghiêm trọng.

Từ năm 1995 đến nay, ngành thủy sản đã tạo những đột phá lớn trong xuất khẩu. Ảnh: Quốc Trung.

Tuy nhiên, từ năm 1981, sau khi công ty Seaprodex Việt Nam thành lập, được Nhà nước cho phép áp dụng thử nghiệm cơ chế “tự cân đối, tự trang trải”, thực chất là chú trọng nâng cao giá trị của sản phẩm làm ra nhằm tạo nguồn đầu tư để tái sản xuất mở rộng, ngành thủy sản bắt đầu bước vào phát triển mạnh mẽ. Những năm 1980, thủy sản được coi là một trong những ngành đi tiên phong trong quá trình đổi mới, chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Con đường mới của ngành đã được mở ra như một hải trình vươn ra đại dương rộng lớn.

Giai đoạn thứ ba từ năm 1986 – 1995

Tiếp theo giai đoạn manh nha phát triển từ trước, giai đoạn này chứng kiến những bước đi mạnh mẽ, phát triển toàn diện ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Năm 1993, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VII xác định xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Giai đoạn này, các mô hình kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích, các thành phần kinh tế được thu hút, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần củng cố thế mạnh của nghề cá nhân dân. 

Tổng sản lượng thủy sản vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn vào năm 1990. Tôm nuôi cho xuất khẩu được xác định là mũi đột phá quan trọng, các đối tượng nuôi khác cũng ngày càng đa dạng hơn, cả ở nước ngọt, nước lợ và nuôi biển. 

Từ giữa những năm 1990, ngành thủy sản tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng đòi hỏi của các thị trường lớn, nhờ đó sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới. 

Năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn, trong đó khai thác 928.800 tấn, Nuôi trồng 415.300 tấn; Xuất khẩu đạt 550.000 USD. Giai đoạn 1980 – 1990, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 48,29%/năm; đến giai đoạn 1991 – 1996, tăng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức 15,97%/năm. 

Giai đoạn thứ tư từ năm 1995 – nay

Năm 2007, Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ NN&PTNT. Tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT. Tháng 4/2014, lực lượng Kiểm ngư được thành lập.

Đây là giai đoạn phát triển ngành thủy sản một cách mạnh mẽ toàn diện. Sản xuất kinh doanh thủy sản chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sau hơn 30 năm phát triển toàn diện, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023. Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

Đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại

Ngành thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Chiến lược Thủ tướng Chính phủ xác định quan điểm: “Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả; thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt; đến năm 2045 “thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngành thủy sản, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: Từ truyền thống cao quý và đáng tự hào, cùng với nỗ lực của biết bao thế hệ đội ngũ cán bộ, công nhân viên, ngành thủy sản Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng căn cơ và bài bản để hướng đến những mục đích to lớn hơn, góp phần làm điểm tựa cho sự phát triển của cả đất nước.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!