Bột nhuyễn ấu trùng ruồi lính đen: Nguồn thức ăn mới của giáp xác

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bột nhuyễn côn trùng hiệu quả chi phí hơn so với côn trùng khô do mức tiêu thụ năng lượng đầu vào thấp hơn, đồng thời có tiềm năng ứng dụng trong thức ăn của giáp xác nhờ tác dụng kích thích thèm ăn, cải thiện khả năng chống ôxy hóa và miễn dịch.

Ấu trùng ruồi lính đen (BSFL) rất giàu axit amin thiết yếu, nguyên tố vi lượng và peptide kháng khuẩn; do đó, BSFL được xem là thành phần chức năng trong thức ăn chăn nuôi. Hai sản phẩm BSFL được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là ấu trùng khô và các chiết xuất gồm bột protein, lipid. Quá trình sản xuất các sản phẩm này gồm giai đoạn sấy khô tiêu tốn 90% năng lượng điện để tạo ra một kg protein côn trùng đã khử béo (Camara-Ruiz et al., 2023). Tuy nhiên, bột nhuyễn BSFL được sản xuất bằng cách nghiền ấu trùng tươi, bỏ qua giai đoạn sấy khô, nên giảm đáng kể năng lượng đầu vào. 

Thức ăn mới cho cua lông

Hiện nay, ấu trùng khô, bột protein khử béo và lipid đã được sử dụng trong thức ăn thủy sản để thay thế bột cá, dầu cá và dầu đậu nành. Tuy nhiên, rất ít trại nuôi giáp xác sử dụng thức ăn có chứa thành phần BSFL. Các nghiên cứu (Changjin et al., 2018; Junru et al., 2019, Wang et al., 2021) đã chứng minh việc bổ sung ấu trùng khô và bột protein côn trùng khử béo vào chế độ ăn của tôm thẻ chân trắng giúp tăng cường khả năng tiêu hóa, hiệu suất tăng trưởng, khả năng chống oxy hóa. Do đó, nghiên cứu tại Trung Quốc đã tập trung đánh giá tính khả thi và hiệu quả của bột nhuyễn BSFL trong thức ăn của cua lông non và cua lông trưởng thành (Eriocheir sinensis). 

Theo đó, BSFL được kết hợp vào một số công thức thức ăn tự chế của một trại ở địa phương có nhiệt độ môi trường xung quanh 26 – 30°C. Nhóm nghiên cứu cho biết, trong 3-5 ngày đầu, ấu trùng ruồi lính đen được cung cấp chế độ ăn gồm cám mì và chất thải thực phẩm. Ở giai đoạn tăng trưởng thứ hai kéo dài 7 – 10 ngày, ấu trùng được cho ăn hoàn toàn bằng chất thải thực phẩm để đạt kích thước 1,5 cm. Thu hoạch ấu trùng sống rồi rửa sạch, chần qua nước 3 phút đồng thời cấp đông để làm thức ăn trực tiếp, hoặc chế biến thành bột nhuyễn. Trong thử nghiệm trên cua lông, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bột nhuyễn côn trùng làm thức ăn. 

Hiệu quả trên cua non

Trong thử nghiệm đầu tiên, nhóm nghiên cứu so sánh hiệu quả của BSFL đông lạnh với hai nghiệm thức ăn gồm bột nhuyễn BFSL và thức ăn cơ bản (đối chứng). Kết quả cho thấy, sử dụng BSFL làm thức ăn trực tiếp không tác động đáng kể đến tỷ lệ sống so với hai mô hình cho ăn còn lại. Tuy nhiên, BSFL đẩy nhanh quá trình lột xác và phát triển của cua non, dẫn đến tỷ lệ thành thục cao hơn. 

Tuy nhiên, BSFL có thể ảnh hưởng đến màu sắc gan tụy của cua lông Trung Quốc Theo đó, khi lượng thức ăn BSFL tăng thì gan tụy cua lông có màu sẫm hơn và hoạt tính của enzyme tiêu hóa thấp hơn so với nhóm cua ở nghiệm thức đối chứng. Đây là một hạn chế nhỏ đối với việc áp dụng BSFL trong thức ăn của giáp xác, nhưng kết quả vẫn chỉ ra rằng chỉ cần cắt giảm tỷ lệ bột nhuyễn BSFL hợp lý sẽ không gây ra tác động tiêu cực trên. 

Trong thử nghiệm thứ hai, thức ăn cơ bản kết hợp 8-32% bột nhuyễn BSFL. Tương tự thử nghiệm trước, BSFL không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cua lông con. Tuy nhiên, việc bổ sung 8-32% BSFL xay nhuyễn đã cải thiện đáng kể lượng ăn vào, đồng thời tăng cường hoạt động chống oxy hóa và miễn dịch của cua giống. Điều này chứng tỏ, BSFL xay nhuyễn ngon miệng hơn và đã kích thích tính thèm ăn của cua non. BSFL nhuyễn phát huy hiệu quả tốt nhất ở tỷ lệ bổ sung 16%

Hiệu quả trên cua trưởng thành 

Trong thử nghiệm gần đây nhất, bột nhuyễn BSFL được sử dụng trong thức ăn nuôi cua lông thương phẩm (con cái trưởng thành). Ở tỷ lệ bổ sung 6-24%, bột nhuyễn BSFL không tác động tiêu cực đến tỷ lệ sống, sự phát triển tuyến sinh dục và thành phần dinh dưỡng thông thường trong tuyến sinh dục và cơ. Ngoài ra, bổ sung 6-12% BSFL xay nhuyễn đã cải thiện đáng kể sức hấp dẫn của thức ăn, giúp kích thích tính thèm ăn của vật nuôi. Cuối cùng, BSFL xay nhuyễn đã cải thiện chỉ số gan của cua cái. Để giảm nguy cơ tổn thương gan tụy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị bổ sung tối đa 12% BSFL nhuyễn vào thức ăn nuôi vỗ cua cái. 

Bột nhuyễn BSFL có tiềm năng ứng dụng trong thức ăn của giáp xác nhờ tác dụng kích thích vật nuôi thèm ăn, cải thiện khả năng chống ôxy hóa và miễn dịch. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ bổ sung quá cao sẽ dẫn đến tác động tiêu cực như gan tụy có màu sẫm. Với cua lông non, tỷ lệ BSFL nhuyễn tối ưu là 16%, trong khi với cua cái trưởng thành, tỷ lệ này chỉ cần 12%.

Dũng Nguyên

Theo Aquafeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!