Bột sâu meal thay thế 100% bột cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Một thử nghiệm mới đây về bột sâu meal vàng (Tenebrio molitor) đã khẳng định bột cá và bột huyết trong thức ăn của cá rô phi Nile non hoàn toàn có thế được thay thế bằng một nguồn nguyên liệu khác bền vững hơn.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, thức ăn chứa côn trùng chính là một giải pháp dinh dưỡng vật nuôi bền vững. Bởi vậy, EU đã chính thức ra đạo luật 2017/893 vào 1/7/2017 cho phép sử dụng 7 loại côn trùng làm thức ăn thủy sản, trong đó có sâu meal vàng (Tenebrio molitor).

Khác biệt ruồi lính đen


Entomo, một trang trại nuôi và chế biến côn trùng phục vụ ngành thực phẩm nông nghiệp tại Libourne, Pháp đang vận hành một hệ thống nuôi côn trùng công nghiệp sinh thái độc nhất vô nhị với năng suất cực lớn, chi phí sản xuất rất thấp nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm cuối cùng an toàn, 100% không chứa hóa chất và có thể truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm nổi tiếng của công ty này là bột sâu meal. Bột sâu meal rất giàu đạm (> 70% protein) và chứa nhiều loại axit amin thiết yếu cho cá (bảng bên).

Vừa qua, trang trại Entomo và phòng thí nghiệm thức ăn thủy sản IctyoPharma đã công bố kết quả thí nghiệm sau 3 tháng nghiên cứu về sâu meal. Các nhà khoa học đã đánh giá rất cao hiệu quả của sâu meal đối với tăng trưởng, thành phần cơ thể và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cá rô phi Nile non (Oreochromis niloticus). Nhiều nghiên cứu trước đây đã đánh giá hiệu quả của bột ấu trùng ruồi lính đen (BSF) với tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và thành phần cơ thể trong khẩu phần ăn cho cá rô phi sông Nile so với sâu meal nhưng không tìm ra điểm khác biệt đáng kể.

Thành phần dinh dưỡng của côn trùng khá đa dạng, tùy thuộc từng nhóm và điều kiện nuôi dưỡng. Bởi vậy, thành phần dinh dưỡng của sâu meal được khẳng định là khác biệt ruồi lính đen và kết quả thử nghiệm dưới đây đã khẳng định rằng sâu meal có tiềm năng thay thế bột cá cao hơn ruồi lính đen trong khẩu phần ăn của cá rô phi giống. Thử nghiệm này gồm 4 nghiệm thức thức ăn: Nghiệm thức đối chứng là thức ăn tổng hợp gồm 15% bột cá, 5% bột huyết; 3 nghiệm thức còn lại chứa bột côn trùng theo tỷ lệ thay thế bột cá, bột huyết lần lượt là 10%, 15% và 20%. Tất cả các khẩu phần ăn trong thí nghiệm này đều gồm isonutrigenous, isolipidic và isoenergetic. Tại thời điểm bắt đầu thí nghiệm, trọng lượng của cá là 10,7 + 0,4 g. Tăng trưởng trên các mẫu cá được quan sát và ghi chép ở các ngày nuôi 13, 31, 46 và 61.

Cải thiện tăng trưởng

Sự khác biệt đầu tiên đã xuất hiện ở ngày 46 khi cá được cho ăn bổ sung 10% bột sâu meal đạt trọng lượng thân cuối (FBW) và tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR) cao hơn đáng kể so với cá ở nhóm dinh dưỡng đối chứng (bảng 1 và 2).

Những sự khác biệt rõ nét này tiếp tục được duy trì đến cuối chu kỳ nuôi thử nghiệm 61 ngày, với giá trị SGR dao động 3,56 – 3,67%/ngày. Sự tăng trưởng của trọng lượng cơ thể cá không có nghĩa cá ăn nhiều thức ăn hơn, do đó cũng có thể khẳng định chế độ dinh dưỡng bổ sung 10% bột sâu meal thúc đẩy quá trình trao đổi chất hiệu quả hơn.

Cá được cho ăn thức ăn hỗn hợp chứa 20% bột sâu meal đạt tăng trưởng tổng thể tương tự nhóm cá đối chứng được cho ăn 15% bột cá và 5% bột huyết. Do đó, bột sâu meal có khả năng thay thế thành công 100% bột cá và bột huyết trong thức ăn nuôi cá rô phi. Ngoài ra, lượng thức ăn cá ăn vào không bị ảnh hưởng bởi các thành phần nguyên liệu thức ăn nói trên, nên bổ sung bột sâu meal không làm mất đi vị ngon của thức ăn. Cuối giai đoạn thử nghiệm, trọng lượng thân cá dao động 93,7 – 100,7 g. Những chế độ ăn bổ sung bột sâu meal cũng không ảnh hưởng tới toàn bộ thành phần cơ thể cá.

Kết quả thí nghiệm trên đã khẳng định bột sâu meal có tiềm năng trở thành nguồn protein thay thế 100% bột cá và bột huyết trong khẩu phần ăn dành cho cá rô phi giống sông Nile. 

Tuấn Anh (Theo AllaboutFeed)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!