Brazil: Bài toán thương mại khi nhập khẩu rô phi Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lô hàng cá rô phi nhập khẩu từ Việt Nam hồi tháng 12/2023 đã dấy lên ít nhiều lo ngại trong ngành thủy sản Brazil, trong đó, vấn đề chính là “phá giá”.

Brazil đã dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024. Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Cá rô phi sản xuất ở châu Á đang “tiến vào” thị trường Brazil với mức giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất trong nước. Trên thực tế, sự việc này được gọi là bán phá giá – thường liên quan đến sự kiện các sản phẩm được bán với giá thấp hơn so với giá trị hợp lý, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa, và nắm quyền điều khiển thị trường.

Ông Edmilson Zabott, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Nuôi trồng thủy sản của FAEP kiêm Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp của Palotina, cho rằng: “Giá các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Brazil chỉ bằng một nửa chi phí sản xuất trong nước. Hiện tại, chúng tôi bán 1 kg rô phi với giá 9,8 – 10 real (R$), nếu để cạnh tranh chúng tôi phải giảm xuống tới R$ 5. Điều này sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng!”.

Đối với trường hợp cá rô phi Việt Nam, giá chào hiện nay đang ở mức $4,72/kg, thấp hơn 29,13% so với giá xuất khẩu của Brazil. “Sao một sản phẩm nhập khẩu lại có thể thấp hơn 30% chi phí sản xuất trong nước? Hơn nữa, theo tôi được biết Việt Nam là quốc gia nhập khẩu nguyên liệu hạt để sản xuất thức ăn chăn nuôi, vậy làm thế nào giá rô phi của họ lại thấp đến vậy? Có điều gì sai ở đây chăng?”, ông Jairo Gund, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Nghề cá Brazil (Abipesca) nói.

Người tiêu dùng khó phân biệt cá rô phi Brazil và cá rô phi nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Đối mặt với vấn đề này, ngày 17/1/2024, Abipesca đã gửi thư tới Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ (MDIC) bày tỏ nghi ngờ về 25 tấn cá rô phi nhập khẩu từ Việt Nam. Trong một lá thư gửi tới Bộ trưởng Geraldo Alckmin, Abipesca yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ ngành thủy sản trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh của cá nhập khẩu từ châu Á.

Cùng ngày, FAEP gửi thư tới Bộ trưởng Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản, ông André Alves de Paula, lên án việc nhập khẩu cá rô phi Việt Nam, và cho rằng rô phi trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Brazil, thậm chí sản lượng vẫn dư để xuất khẩu. Năm 2023, Brazil xuất khẩu hơn 2,1 nghìn tấn cá ra thế giới, tăng 96% so với năm 2022, mang về $14,1 triệu.

Ngày 30/1/2024, Bộ trưởng Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản, ông André de Paula, và Bộ trưởng Nông nghiệp và Chăn nuôi, ông Carlos Fávaro, đã gặp mặt các đại diện của nghề cá Brazil để thảo luận vấn đề này. Tại đây, ông Fávaro cho biết đội kỹ thuật bảo vệ nông nghiệp đang rà soát thủ tục nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam để đánh giá lại quyền điều hành, đồng thời siết chặt kiểm soát nhập khẩu nhằm tránh trường hợp tương tự tái diễn.

Ngoài khía cạnh thương mại, buổi họp cũng tập trung vào mối lo ngại đối với chất lượng và sức khỏe của cá Việt Nam. “Không ai biết cá rô phi Việt Nam được sản xuất thế nào, liệu có tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về sức khỏe và/hoặc môi trường hay không. Ngoài ra chúng tôi khá lo ngại về chất lượng và mùi vị”, ông Zabott nhấn mạnh. Không những thế, ông cho rằng việc người tiêu dùng không thể phân biệt được rô phi Việt Nam và rô phi Brazil, cũng đang trở thành mối lo. “Nếu một loại có chất lượng kém, họ sẽ từ bỏ tiêu dùng toàn bộ rô phi trên thị trường. Khi ấy, hậu quả nhãn tiền là chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Trong khi đó chuỗi cung ứng của chúng ta đang được xây dựng và phát triển khá tốt, từ sản xuất đến giết mổ. Đây là chuỗi cung ứng mới, khoảng 18-20 năm, vẫn đang trong quá trình cấu trúc và phát triển. Toàn bộ tiền đầu tư vào ngành và các trang trại vẫn chưa được hoàn vốn. Nếu chúng ta bị cá rô phi nước ngoài “xâm nhập”, tình trạng thất nghiệp và nợ nần sẽ tràn ngập khắp các vùng nông thôn”, ông Zabott dự báo.

Ước tính sản lượng cá nuôi tại Paraná sẽ tăng từ 188 nghìn tấn vào năm 2022 lên 376 nghìn tấn vào năm 2027. Hiện, bang này sản xuất hơn 1/3 sản lượng cá nuôi trong nước; trong đó miền Tây chiếm 70% sản lượng của bang, tập trung tại các thành phố Nova Aurora, Toledo và Palotina – ba thành phố lớn nhất Brazil sản xuất cá.

>> Ngày 14/2/2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024. Diễn biến tiếp theo sẽ được thông báo ngay sau khi có kết luận chính thức về việc rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.

An Vy (Theo Notícias Agrícolas)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!