(TSVN) – Năm 2023, trị giá kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của Brazil tăng vọt ngoạn mục, mặc dù khối lượng xuất khẩu sụt giảm. Ngành thủy sản vừa nỗ lực xuất khẩu, vừa khôn khéo bảo vệ ngành sản xuất nội địa.
Theo dữ liệu từ Tập đoàn Nghiên cứu Nông nghiệp Embrapa hợp tác với Hiệp hội NTTS Brazil (Peixe BR), xuất khẩu thủy sản của nước này trong năm 2023 đạt 24,7 triệu USD, tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Brazil cho biết khối lượng xuất khẩu mặt hàng thủy sản lại giảm 20%, từ 8.487 tấn năm 2022 xuống còn 6.815 tấn vào năm ngoái.
Peixe BR thông tin, doanh thu xuất khẩu thủy sản tăng xuất phát từ những thay đổi trong việc sắp xếp các lô hàng: tăng cường hàng hóa fillet tươi và giảm xuất khẩu các mặt hàng nguyên con đông lạnh. Năm 2022, giá thủy sản xuất khẩu của Brazil đạt mức trung bình 3,49 USD/kg, nhưng tới năm 2023 đã tăng 21,2% lên 4,23 USD/kg.
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Brazil là cá rô phi và các phụ phẩm từ cá rô phi, với kim ngạch trị giá 23,3 triệu USD vào năm 2023, tăng 1% so với năm trước đó. Tỉnh Tambaqui là một trong những địa phương ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục về xuất khẩu cá rô phi, với doanh thu 798 nghìn USD, vượt 809% so với năm 2022. Những “điểm đến” chủ yếu mà rô phi Brazil đang nhắm đến là thị trường Mỹ với thị phần 88%, Trung Quốc 3% và Nhật Bản 2%.
Ông Francisco Medeiros, Chủ tịch Peixe BR cho biết, Brazil đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, đặc biệt chú trọng sản phẩm thế mạnh là cá rô phi, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cùng khả năng truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn và duy trì sản xuất bền vững. Đây là lý do tại sao doanh thu xuất khẩu thủy sản của Brazil lại tăng trưởng vượt bậc trong năm qua. Thị trường quốc tế ngày càng “kén chọn” và chú trọng chất lượng sản phẩm, khi các doanh nghiệp nâng cao tính chuyên môn hóa và mở rộng quy mô sản xuất, doanh số xuất khẩu ắt sẽ tăng.
Đầu tháng 2/2024, hàng loạt báo chí thủy sản quốc tế đưa tin Brazil tạm dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam. Đây là một quyết định quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi của quốc gia Mỹ Latinh này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA), ông Carlos Fávaro, đã đưa ra tuyên bố về biện pháp này khi tham gia sự kiện Triển lãm Ngành nông nghiệp Coopavel Rural Show lần thứ 36, tổ chức tại bang Parana từ 5 – 9/2/2024.
Ông Carlos Fávaro cho biết, biện pháp này nhằm tháo gỡ những mối lo ngại ngày
càng gia tăng từ ngành sản xuất thủy sản Brazil về rủi ro vệ sinh liên quan đến virus TiLV, cũng như các vấn đề kinh tế liên quan đến hoạt động bán phá giá. Gần đây, Peixe BR đã yêu cầu MAPA điều tra lô hàng 25 tấn cá rô phi từ Việt Nam đến Brazil vào tháng 12/2023. Chuỗi sản xuất cá rô phi nội địa Brazil, từ người nông dân đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế quốc gia. Do đó, chính phủ Brazil đã quyết định đình chỉ nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất nội địa.
Tuyên bố trước các cơ quan truyền thông, người đại diện MAPA bày tỏ, ngoài những mối lo ngại về hành vi thương mại bất bình đẳng, nhiều người cũng hoài nghi về chất lượng của cá rô phi Việt Nam. Theo Peixe BR, họ không có bất kỳ thông tin minh bạch nào về tiêu chuẩn sản xuất cá rô phi Việt Nam, và đặt nghi vấn, liệu sản phẩm này có tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc về vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm.
Có nhiều nguyên nhân đằng sau lệnh cấm của Brazil đối với cá rô phi Việt Nam. Tuy nhiên, Brazil có quyền bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khi ban hành lệnh cấm này khi dựa trên cơ sở cá rô phi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn sản xuất minh bạch nên chất lượng không đảm bảo. Nói cách khác, lệnh cấm chính là 1 mũi tên, nhưng trúng 2 đích: bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo hộ ngành sản xuất nội địa. Trước đó, năm 2021, Brazil đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất cá rô phi lớn thứ 3 thế giới trong vòng một thập kỷ tới.
Brazil là một trong những nước sản xuất rô phi lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng luôn dẫn đầu. Quốc gia này sở hữu những điều kiện môi trường thuận lợi để nuôi cá rô phi thông qua nguồn tài nguyên nước ngọt lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ngành rô phi cũng hưởng lợi lớn khi Brazil đứng đầu thế giới về sản xuất ngũ cốc, nguồn nguyên liệu chính để chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong 10 năm tới, một trong những đối thủ đang nằm trong top 3 nước sản xuất rô phi lớn nhất thế giới, gồm Trung Quốc, Indonesia và Ai Cập rất có thể sẽ phải “nhường” lại vị trí cho Brazil.
Tuấn Minh (Tổng hợp)