(TSVN) – Giữa bối cảnh xuất khẩu tăng mạnh, ngành rô phi Brazil có xu hướng điều chỉnh cân bằng giữa việc mở rộng thị trường quốc tế và tập trung vào thị trường nội địa.
Phát biểu tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu ở Barcelona, Tây Ban Nha, ông Francisco Murillo, cựu lãnh đạo của Regal Springs – trại nuôi cá rô phi bền vững lớn nhất thế giới, hiện là CEO của Tropo Farm tại Ghana, cho biết: Giữa bối cảnh xuất khẩu tăng mạnh, nhu cầu nội địa tiếp tục khẳng định sức ảnh hưởng lớn, trở thành nút thắt quan trọng của người tiêu dùng với ngành rô phi Brazil.
Cho cá rô phi ăn tại trại nuôi GeneSeas ở Brazil. Ảnh: GeneSeas
“Trước kia, Brazil là quốc gia lớn mạnh về xuất khẩu rô phi fillet, chủ yếu thông qua nhà sản xuất GeneSeas. Tuy nhiên, biến động tiền tệ đã trở thành một thách thức lớn khiến Brazil chịu nhiều tổn thất tài chính. Điều này đã thúc giục các nhà lập kế hoạch phải điều hướng sang phát triển thị trường nội địa. Quả thực, bước đi đầy tính chiến lược này của Brazil đã mang lại thành công khi tiêu dùng nội địa đang vượt xuất khẩu”, ông Murillo giải thích.
Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo từ Undercurrent News, xuất khẩu rô phi của Brazil đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. 3 tháng đầu năm 2024, rô phi được xướng danh là “ngôi sao” của ngành nuôi cá Brazil khi chiếm 95% khối lượng cá xuất khẩu và mang về 8,31 triệu USD.
Theo Hiệp hội Nuôi cá Brazil, Peixe BR, 80% rô phi xuất khẩu của nước này được vận chuyển trực tiếp sang Mỹ, chủ yếu là rô phi tươi và fillet. Doanh số từ thị trường này cũng chiếm 93% tổng giá trị xuất khẩu rô phi của Brazil, đưa Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu quan trọng của Brazil. Cụ thể, Mỹ nhập khẩu 355 tấn fillet rô phi tươi từ Brazil trong tháng 3/2024, và 810 tấn trong quý 1, tăng tương ứng 102% và 79% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đưa Brazil tới gần hơn vị trí cạnh tranh với Costa Rica để trở thành nhà xuất khẩu fillet rô phi tươi lớn thứ hai sang Mỹ.
Nguyên nhân chủ yếu do Brazil có lợi thế về quản lý dịch bệnh hiệu quả so với các quốc gia sản xuất rô phi khác như Colombia, Honduras và Mexico. Theo ông Murillo: Nếu như những nguồn cung khác phải đối mặt với các vấn đề về chất lượng rô phi do thiếu vắc xin liên cầu khuẩn (Streptococcus agalactiae ST7 Ia bacterium), thì công tác chủ động tiêm vắc xin của Brazil lại ghi điểm tuyệt đối, khiến các nước nhập khẩu hoàn toàn tin tưởng chất lượng rô phi của Brazil.
Xuất khẩu rô phi của Brazil đã tăng lên 110.000 - 120.000 pound fillet/tuần trong năm 2024, so với 50.000 - 60.000 pound fillet/tuần năm 2023. Tiêu dùng nội địa đạt 1 triệu pound/tuần. Theo Peixe BR, rô phi chiếm 55-57% tổng sản lượng thủy sản của Brazil, đưa Brazil trở thành nguồn cung rô phi lớn thứ tư cho toàn cầu, sau Trung Quốc, Indonesia và Ai Cập.
An Vy
Theo Undercurrentnews