(TSVN) – Trong quý II/2024, xuất khẩu thủy sản của Brazil đạt 3.332 tấn, trị giá 15 triệu USD, tăng 89% về khối lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Brazil tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, tăng 79% về lượng và 96% về giá trị. Tháng 6 tiếp tục đánh dấu doanh thu đạt kỷ lục trong quý II với giá trị xuất khẩu chạm mức 5,5 triệu USD, cũng là con số cao nhất kể từ đầu năm 2024.
Rô phi là sản phẩm xuất khẩu chính của Brazil
Theo Hiệp hội nuôi cá Brazil, Peixe BR, giá trị xuất khẩu tăng ổn định kể từ tháng 1/2024. Fillet ướp lạnh và tươi là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Brazil trong quý II, mang về 10,1 triệu USD, tăng 79% so với quý I và tăng 145% so với cùng kỳ năm trước. Cá nguyên con đông lạnh tăng so với quý I và tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, xuất khẩu fillet đông lạnh và cá nguyên con tươi/ướp lạnh giảm 31% và 14% so với quý 1. Nhưng so với cùng kỳ năm trước thì xuất khẩu cá nguyên con tươi/ướp lạnh tăng 377%, trong khi xuất khẩu fillet đông lạnh giảm 50%.
Cá rô phi tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chính của Brazil, chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu trong quý II/2024, khối lượng đạt 2.801 tấn, trị giá 13,7 triệu USD, tăng 43% về lượng và 98% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, cá pacu – một loài cá nước ngọt của Nam Mỹ – trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 về giá trị, đạt 202 tấn, trị giá 528.000 USD, theo sau là cá curimata với 259 tấn và 480.000 USD.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Brazil, với 2.330 tấn, trị giá 13 triệu USD, chiếm 87% tổng giá trị xuất khẩu của Brazil trong quý II. “Rô phi là sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ (12,9 triệu USD), trong đó chủ đạo là fillet rô phi tươi (9,8 triệu USD) và rô phi nguyên con đông lạnh (2,8 triệu USD)”, Peixe BR cho biết.
Peru là điểm đến hai của Brazil, với 468 tấn, trị giá 1,02 triệu USD. Trong đó xuất khẩu fillet rô phi tươi/ướp lạnh sang thị trường này đạt 1.273 tấn, mang về 10,1 triệu USD, tăng 110% về lượng và 150% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Rô phi nguyên con đông lạnh đứng thứ hai với 1.015 tấn, trị giá 2,8 triệu USD, tăng tương ứng 13% và 49%.
An Vy
Theo UCN