(TSVN) – Theo dữ liệu Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản Brazil (Peixe BR) công bố, xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của nước này đạt 1.741 tấn, trị giá 5,9 triệu USD trong quý đầu tiên của năm, giảm 31% về khối lượng và 16% về giá trị.
Nhìn chung, sự sụt giảm này chủ yếu là do xuất khẩu cá rô phi thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá rô phi của Brazil chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu nuôi trồng thủy sản của nước này trong quý I/2023, đạt 1.706 tấn, trị giá 5,54 triệu USD, giảm 31% và 19% so với quý I/2022.
Xuất khẩu cá rô phi của Brazil sụt giảm trong quý I/2023. Ảnh: Brazilian Fish
Cụ thể, xuất khẩu cá rô phi Brazil sang Mỹ đạt 1.336 tấn, trị giá hơn 4,9 triệu USD, giảm 15% về khối lượng và 8% về giá trị so với quý I/2022. Tuy nhiên, xuất khẩu cá rô phi sang Nhật Bản lại theo xu hướng ngược lại, tăng lần lượt 1% và 484%, đạt 72 tấn, trị giá 165.076 USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc đứng thứ ba với 96 tấn, trị giá 125.253 USD, tăng 96% và 47% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Brazil cũng xuất khẩu khoảng 122 tấn cá rô phi, trị giá 85.287 USD sang Đài Loan và 18 tấn, trị giá 78.073 USD sang Mexico.
Về sản phẩm cá rô phi, xuất khẩu fillet tươi hoặc ướp lạnh đứng đầu với 416 tấn, trị giá 2,68 triệu USD, tăng 30% và 69% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh có sự sụt giảm, giảm 44% về khối lượng và 55% về giá trị xuống còn 833 tấn, trị giá 1,73 triệu USD.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu fillet cá rô phi đông lạnh cũng giảm lần lượt 33% và 28% xuống 96 tấn, trị giá 602.309 USD, trong khi đó xuất khẩu phụ phẩm cá rô phi cũng giảm 3% về khối lượng xuống 339 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm này đã tăng 81% lên 460.360 USD.
Ngoài ra, xuất khẩu fillet cá tươi và ướp lạnh có giá trị cao nhất trong quý I/2023, với 2,77 triệu USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 65% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá đông lạnh nguyên con đứng thứ hai với giá trị xuất khẩu hơn 1,74 triệu USD, tiếp theo là fillet đông lạnh đứng thứ ba với doanh thu trị giá 850.810 USD.
Hải Phong
Theo UCN