Nhờ có sự thay đổi về kỹ thuật và nâng công suất tàu khai thác, những “trăng” gần đây (“trăng” là cách gọi của ngư dân cho chuyến ra khơi đánh cá trong mỗi tháng âm lịch), ngư dân ở xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đã trúng lớn, bình quân mỗi ghe cho thu nhập đến 300 triệu đồng/chuyến, cá biệt có vài chiếc thu nhập đến hơn 500 triệu đồng.
Thắng lớn
Ông Trần Văn Phương, một ngư dân ở Bình Châu cho biết, “trăng” rồi tàu của ông đánh bắt ở vùng biển cách Côn Đảo gần cả trăm hải lý, được 2,2 tấn mực, doanh thu hơn 350 triệu đồng. Tính cả 2 “trăng” gần đây ghe của ông Phương trúng mực giá trị lên đến gần 700 triệu đồng. “Phần lớn 2 trăng rồi các ghe khai thác hải sản ở Bình Châu đều trúng từ 200 đến 300 triệu đồng, trong khi đó trước kia mỗi “trăng” trúng được 100 triệu là mừng lắm rồi” – ông Phương nói.
Chủ ghe trúng biển thì “bạn” ghe (người đi biển) ở xã Bình Châu cũng có những mùa “trăng” đẹp. Anh Trần Văn Thành, một “bạn” đi biển nhiều năm ở xã Bình Châu cho biết, “trăng” rồi ghe của anh đi trúng biển hơn 300 triệu đồng, nhờ đó anh và những người “bạn” khác được chia phần đến hơn 10 triệu đồng. Trước đây bình quân mỗi chuyến biển thu nhập của “bạn” chỉ ở mức 3 triệu đồng/người.
Ngư dân Bình Châu chuẩn bị dàng câu cho phương pháp khai thác mới “bủa tôm, câu mực”.
Điều làm nên những chuyến biển thành công vừa qua là nhờ ngư dân Bình Châu đã chuyển phương pháp khai thác (từ hình thức chụp mực sang bủa tôm, câu mực). Ông Mai Thành Thơm, cán bộ quản lý lĩnh vực hải sản của xã Bình Châu cho biết, đây là mô hình của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hướng dẫn. Việc chuyển đổi này đã nâng cao năng suất từ 1,5 đến 2 lần so với trước và hiện đã có gần 60% ghe của ngư dân xã Bình Châu làm nghề khai thác mực chuyển sang hình thức đánh bắt kiểu này. Theo ông Thơm, sắp tới có thể toàn bộ ghe khai thác hải sản ở xã Bình Châu sẽ chuyển sang hình thức đánh bắt bủa tôm câu mực. Ngoài ra, một số ngư dân còn kết hợp giữa khai thác mực và cá thu nên khi trúng biển thu nhập rất cao.
Ghe lớn mới hiệu quả
Những “trăng” rồi, hầu hết ghe có công suất lớn của ngư dân Bình Châu đều khai thác có hiệu quả. Ông Trần Văn Phương cho biết, những ghe công suất lớn (80-90CV) có khả năng khai thác cách bờ gần 300 hải lý (cách Côn Đảo khoảng gần 100 hải lý) đây là ngư trường có nguồn lợi dồi dào, nhưng đáng tiếc là tại xã Bình Châu hiện có rất ít ghe công suất lớn, chủ yếu là ghe công suất nhỏ hơn 60CV, khai thác tuyến lộng (cách bờ 100 hải lý).
Hơn nữa, do yêu cầu của phương pháp bủa tôm câu mực phải trang bị dàng câu dài đến gần 30 hải lý, với dàng câu dài như trên, những ghe có công suất lớn có tốc độ cao sẽ nhiều thuận lợi trong khai thác. Cụ thể là rút ngắn thời gian thả và thu dàng câu nhờ vậy tăng tần suất thả và thu câu trong ngày hơn 1,5 lần so với những ghe có công suất nhỏ, năng suất khai thác theo đó được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra do bủa tôm câu mực và câu cá thu có phương pháp khai thác tương đồng, do đó ghe lớn có khả năng trang bị thêm dàng câu cá thu. Khi ngư trường khai thác ít mực hoặc trong trường hợp gặp được luồng cá thu, ngư dân dễ dàng thay đổi đối tượng khai thác để tăng hiệu quả.
Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân tính toán, để trang bị mới một chiếc ghe công suất 80-90CV làm nghề bủa tôm câu mực phải bỏ ra chi phí từ 1,5 đến 2 tỉ đồng. Trong trường hợp nâng cấp, cải tiến những chiếc ghe chụp mực có công suất nhỏ lên thành ghe như trên chi phí cũng gần cả tỉ đồng. Đây là khoản chi phí quá lớn so với đa số ngư dân ở Bình Châu, do đó nhiều ngư dân mong muốn là có những chương trình tín dụng ưu tiên vốn vay cho ngư dân cải tiến nâng cấp công suất các tàu khai thác hiện nay ở Bình Châu.