Bùng nổ nghề làm đùng trên đầm Thị Nại (Bình Định)

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã ngang nhiên bao chiếm hàng trăm ha mặt nước đầm Thị Nại, cắm cọc “xí phần” làm đùng (vây quanh một vùng nước bằng cọc hoặc lưới, dân địa phương gọi là làm đùng) để nuôi sìa, hàu và các loài thủy sản khác, gây bức xúc cho người dân địa phương.

      Bà Võ Thị Chín (ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) không giấu nỗi lo âu, bộc bạch: Từ bao đời nay, ngoài làm ruộng, thời gian rảnh rỗi, bà con chúng tui tranh thủ ra đầm bắt con tôm, con cá cải thiện bữa ăn, còn dư thì bán để kiếm thêm thu nhập. Thế mà bây giờ, một số người đã tự ý cắm cọc chiếm hết mặt nước. Những chỗ tôm, cua, cá, phễn, hàu sinh sôi nhiều thì bị họ cắm cọc “làm chủ” hết ráo, ai vào vùng nước này đánh bắt thì bị đuổi hoặc bị đánh nên bà con ức lắm!

Nghề đùng ken dày trên đầm Thị Nại. Ảnh: Xuân Thức

      Theo lời bà Chín, trưa 2.3.2011, chúng tôi men theo bờ đê dọc đầm Thị Nại từ thôn Lộc Hạ, Nhân Ân, Bình Thái (xã Phước Thuận) đến giáp thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn), thấy trên mặt đầm rộng bao la, ken dày các “đùng” và có phần lấn sang phía xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). Ông Đỗ Xuân Thừa, thành viên Tổ an ninh nhân dân xóm Ân Tân, thôn Nhân Ân, cho biết: Do làm đùng năm rồi trúng quả và UBND xã chỉ vận động dỡ bỏ không xử lý, nên nhiều hộ dân cứ tiếp tục mua tre, trảy về cắm thành ô để giành mặt nước, diện tích mỗi ô rộng chừng 0,5 – 2 ha; dưới lòng đất thì nuôi sìa, trên thả lưới lồng tận thu hết thủy sản. Năm ngoái, thôn tôi chỉ có vài chục hộ làm đùng, thì nay, có đến 183 hộ làm. Nghề làm đùng phát triển làm cho hàng trăm hộ hành nghề nhỏ trên đầm ở thôn tôi mất thu nhập. Bà con đã làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương và gửi lên ngành chức năng của huyện, nhưng không hiểu sao, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Điều đó làm người dân phản ứng thêm bằng việc không tham gia xây dựng quy ước quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại.

      Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, có ý kiến: Tôi được biết vấn đề chiếm dụng mặt nước đầm Thị Nại của các hộ dân để nuôi thủy sản là bất hợp pháp. Năm ngoái, UBND xã đã thành lập tổ công tác, xác định số hộ tự ý chiếm mặt nước làm đùng, bắt họ làm cam kết tháo dỡ trước tháng 11.2010. Song đến nay, các hộ lại tiếp tục làm đùng, mà còn nhiều hơn trước. Chúng tôi sẽ báo cáo việc này với UBND huyện chứ địa phương không dễ dàng xử lý được. Mặt khác, đề nghị huyện nên quy hoạch mặt nước để tạo thuận lợi cho bà con nuôi thủy sản bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống.

      Còn theo ông Võ Bá Tuấn, Phó Công an xã Phước Thuận: “Tổ công tác đến vận động, nhắc nhở các hộ tháo dỡ đùng nhưng không ai chấp hành. Hơn nữa, thực chất đây không phải là nghề cấm, nên mình làm mạnh tay thì sợ ảnh hưởng đến đời sống của bà con”.

      Như vậy, việc chính quyền địa phương quá dễ dãi và còn có tư tưởng chờ vào sự giải quyết của cấp trên đã dẫn đến “việc đã rồi”. Nhiều hộ dân cứ thế thi nhau tranh giành làm chủ mặt nước, tranh chấp ngư trường, làm cho tình hình an ninh trật tự trên đầm Thị Nại diễn biến phức tạp. Hơn thế, việc cắm lưới đùng vô tội vạ như hiện nay sẽ khó bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đi lại…

Xuân Thức

Theo Báo Bình Định



Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!