(TSVN) – Năm 2020 đã đánh dấu những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực dinh dưỡng thủy sản, với sự ra đời và phát triển của nhiều thành phần thức ăn mới có khả năng thay thế hiệu quả bột cá và dầu cá.
COVID-19 bùng phát vào năm ngoái khiến các hoạt động khai thác và chế biến bột cá bị gián đoạn, hậu quả giá tăng vọt. Tuy nhiên, cũng trong năm này, bột cá và dầu cá không còn được coi là hàng hóa thức ăn, mà chỉ là phụ gia đặc biệt do giá quá đắt. Trong lúc đó, các sản phẩm thay thế tiếp tục tràn ra thị trường với giá cạnh tranh hơn gồm: tảo, bột côn trùng, protein đơn bào, vi sinh và phụ phẩm.
Trong các sản phẩm làm từ tảo, sản phẩm của Corbion và Veramaris đang chiếm 25% nguồn cung axit béo omega-3 thức ăn cho cá hồi tại Na Uy. Các hãng bán lẻ tại châu Âu và Mỹ vẫn đang tích cực quảng bá cá hồi hảo hạng, được nuôi bằng dầu tảo và dầu cá không chứa cá biển tự nhiên.
Theo một nghiên cứu gần đây trên British Journal of Nutrition, dầu tảo đạt hiệu quả tương tự dầu cá về khả năng cung cấp DHA và EPA có lợi. Chúng không chứa kim loại nặng gây ô nhiễm tương tự các chất tìm thấy trong dầu cá, dầu tảo ngày càng thu hút người sử dụng hơn.
Hiện, các hãng sản xuất tảo đang có kế hoạch mở rộng và hợp tác với các công ty thức ăn, nhằm mục đích đưa ngành dinh dưỡng thủy sản chuyển đổi sang các loại dầu tảo trong tương lai gần. Từ đó, dầu cá biển tự nhiên chỉ được sử dụng riêng, như một phụ gia đặc biệt cho các sản phẩm giá trị cao. Một thành phần khác từ tảo đang thu hút sự chú ý là bột tảo đã loại bỏ axit béo không bão hòa đa. Sản phẩm này được tạo ra sau quá trình chiết xuất dầu tảo phục vụ ngành thủy sản, thực phẩm chức năng và nhiên liệu sinh học, nhưng vẫn đảm bảo lượng protein, vitamin và chất kháng ôxy hóa có giá trị trong thức ăn thủy sản. Ngoài ra, rong biển chứa carrageenan và agar cũng là những thành phần thức ăn tiềm năng.
Sản xuất bột và dầu côn trùng quy mô công nghiệp bắt đầu từ năm ngoài; thị trường nhộn nhịp với các đơn hàng khổng lồ. Ví dụ, hai hãng thức ăn Skretting và Mowi đã đặt mua một lượng lớn ruồi lính đen và các loại bột côn trùng khác để chế biến thức ăn thủy sản. Potix, Ynsect, Agri-Protein, Entobel, Chapul Farms và nhiều hãng côn trùng khác đang tìm cách giảm dần chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng thành phẩm bằng cách điều chỉnh thức ăn cho côn trùng. Sử dụng các loại rác thải thực phẩm làm thức ăn cho côn trùng mang lại nhiều lợi ích môi trường, cũng tạo thêm cú hích cho sự phát triển của các hãng sản xuất bột và dầu côn trùng.
Các nguồn protein đơn bào gồm: vi khuẩn, nấm men và vi sinh đang là thành phần thức ăn thủy sản tiềm năng. Vi khuẩn được sản xuất bằng mathane (Calysta), ethanol (KnipBio) hoặc carbon dioxie (NovoNutrients), đã thu hút các khoản đầu tư mạnh tay từ các tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Nhiều thử nghiệm cho ăn đã thành công trên nhiều đối tượng nuôi. Các sản phẩm nấm men được sử dụng trong nuôi thủy sản không mới, nhưng sự phong phú về số lượng và dạng sản phẩm rất đáng kinh ngạc.
Đây là nhóm sản phẩm đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong ngành thức ăn thủy sản. Từ đồ uống và sản phẩm chưng cất, các hãng Motana Microbials, Jiangsu Fuhai, Scoular và Menon Renewabels đã sử dụng công nghệ lên men, xử lý enzyme, lysates và gián tiếp vi sinh, để tạo ra phụ phẩm tái chế gồm bột giàu protein, dầu không bão hòa đa, carbohydrates phức hợp.
Protein thực vật và dầu thực vật đã xuất hiện trong ngành thức ăn thủy sản 30 năm qua, trong đó đậu tương chiếm tỷ trọng lớn nhất. Khoa học phát triển, kéo theo sự ra đời nhiều nghiên cứu về đậu tương chọn lọc di truyền có hàm lượng chất kháng dinh dưỡng thấp hơn; lượng axit amin và chất béo tốt hơn. Ngoài đậu tương, còn có protein đậm đặc từ lúa mạch, ngô, đậu faba, đậu Hà Lan, hạt dẻ cười và khoai tây. Nhiều dầu từ hạt gồm: cải camelina, canola, cotton, cọ, lạc, hướng dương, mè đang trở thành nguồn thức ăn chất lượng.
Phụ phẩm trong ngành chế biến thịt đang được coi là thành phần thức ăn tiềm năng. Phụ phẩm gia cầm, heo là chủ yếu, gồm: bột lông vũ, bột thịt, bột huyết, bột xương. Tuy nhiên, chất lượng và chức năng của nhiều thành phần này trong thức ăn thủy sản vẫn đang được nghiên cứu bởi nhiều lo ngại mầm bệnh tiềm ẩn trong các loại thức ăn này.
2020 là một năm có một không hai, không chỉ bởi đại dịch COVID-19, mà ngành thức ăn thủy sản đã thay đổi theo hướng kết hợp nhiều thành phần thức ăn thay thế từ động, thực vật để thay thế bột cá và dầu cá. Trong tương lai, số lượng các thành phần thức ăn thay thế sẽ tăng lên theo cấp số nhân, nhờ các bước tiến vượt bậc về sinh học, được thúc đẩy để phục vụ nghiên cứu vaccine COVID-19. Khi đó, nhu cầu bột cá, dầu cá giảm dần, còn ngành thủy sản tiếp tục phát triển độc lập hơn.
GS Kevin Fitzsimmons
Đại học Arizona, Mỹ