(TSVN) – Từ ngày 20/5/2024, nuôi trồng thủy sản vi phạm hành chính sẽ bị phạt tối đa đến 30 triệu đồng, đồng thời, buộc phải di dời hoặc phát dỡ những công trình không được cấp phép.
Theo Điều 17 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, vi phạm về điều kiện nuôi sẽ áp dụng nhiều mức phạt. Trong đó:
Phạt đến 10 triệu đồng đối với trường hợp không đăng ký đối tượng nuôi chủ lực. Ảnh: ST
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Không ghi chép hoặc lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản, trong quá trình nuôi trồng thủy sản và các tài liệu khác về quá trình nuôi trồng thủy sản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc;
Không ghi chép, lưu giữ hồ sơ về loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng, tài liệu khác liên quan đến quá trình nuôi trồng thủy sản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc;
Không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè; Hoặc địa điểm nuôi trồng thủy sản không đúng với vị trí đã đăng ký.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Nuôi trồng thủy sản không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật theo quy định;
Không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp nuôi trồng mỗi loài thủy sản không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân sẽ buộc di dời hoặc phá dỡ công trình nuôi trồng thủy sản hoặc buộc chuyển đổi mục đích sử dụng loài thủy sản, trường hợp không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy loài thủy sản.
Hồng Hà