Điệp seo là động vật thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao; để phát triển nuôi đối tượng này đòi hỏi đảm bảo nguồn cung cấp con giống ổn định. Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo là vấn đề cần giải quyết nhằm đưa đối tượng này phát triển bền vững.
Đặc điểm
Điệp seo Comptopallium radula (Radula scallop) là một loài trong họ Pectinidae, có giá trị kinh tế, cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao cùng với các acid béo không no quan trọng và các nguyên tố vi lượng cho hoạt động sống con người.
Điệp seo có vỏ dày, chắc, vỏ phải hơi lõm hơn vỏ trái, tai trước lớn hơn tai sau. Trên mặt vỏ trái thường có các vân màu tím. Mặt vỏ có 12 – 13 gờ phóng xạ thô. Mặt trong vỏ màu trắng hơi vàng, trơn bóng. Vết cơ khép hình tròn, vị trí gần ở mặt lưng gần về phía sau. Vỏ cá thể trưởng thành dài 70 mm, cao 80 mm, rộng 22 mm.
Trên thế giới, điệp seo thường phân bố ở các vùng biển nằm ở phía Bắc bang Carolina (Mỹ) kéo dài đến liên bang Tây Ấn thuộc biển Caribbean – châu Mỹ. Tại Việt Nam, điệp seo phân bố ở ven biển miền Trung, nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Với giá bán cao, dao động 450.000 – 600.000 đồng/kg tùy theo cỡ, nên người dân đã khai thác điệp seo ở mọi kích cỡ khác nhau; tuy nhiên, việc khai thác không hợp lý (khai thác kích thước còn quá nhỏ, 40 – 70 mm – kích thước điệp seo chưa tham gia sinh sản lần đầu) đã làm cho nguồn lợi điệp seo ngày càng cạn kiệt.
Rất cần giống tốt
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, những năm 2000, sản lượng khai thác điệp seo khoảng 30 – 40 tấn/năm. Tuy nhiên những năm gần đây sản lượng giảm dần và đến nay, theo người dân, sản lượng thu được không đáng kể. Do đó, việc nuôi điệp seo từ con giống nhân tạo là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và phục hồi nguồn lợi.
Từ thực tế đó, năm 2017, đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo tại Khánh Hòa” đã được triển khai thực hiện do ThS Phan Thị Thương Huyền, Viện Nghiên cứu NTTS III làm chủ nhiệm và vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu, đánh giá cao.
Nuôi điệp seo từ con giống nhân tạo là hướng đi mới, nhiều triển vọng – Ảnh: Estalens
Qua 2 năm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật như: Tỷ lệ điệp seo bố mẹ thụ tinh đạt 86,72%, tỷ lệ nở trung bình đạt 92,03%; tỷ lệ sống của ấu trùng chữ D đến con giống cấp I (1 – 3 mm) dao động 3,5 – 4,4%; tỷ lệ sống của con giống từ cấp I lên cấp II (10 – 15 mm) đạt 30,28%. Sau 3 đợt sản xuất, Đề tài đã thu được 510.000 con giống điệp seo cấp I và 154.000 con giống điệp seo cấp II.
ThS Phan Thị Thương Huyền cho biết: “Hình thức ương điệp seo cấp I lên cấp II ngoài lồng bè cho sinh trưởng cao hơn nuôi trong bể xi măng; tuy vậy, tỷ lệ sống của điệp seo nuôi trong bể xi măng cao hơn nuôi biển do môi trường nước ổn định, trong sạch và không có địch hại”.
Khơi mở tiềm năng
Qua 24 tháng triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được những kết quả như: xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo cho 5 cơ sở sản xuất, cơ sở đã áp dụng và sản xuất được con giống đến kích cỡ giống cấp 2 từ 10 – 15 mm, với số lượng tổng 28.200 con; thử nghiệm 2 mô hình nuôi thương phẩm điệp seo (nuôi đơn và nuôi ghép) tại thôn Xuân Tự 1 và thôn Xuân Vinh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh), thu 109,05 kg điệp seo thương phẩm. Trong đó, mô hình nuôi đơn điệp seo có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mô hình nuôi ghép. Cụ thể, mô hình nuôi đơn đạt 69,1 mm chiều dài, 71,2 mm chiều cao, trọng lượng đạt 50,2 g; mô hình nuôi ghép đạt 64,2 mm chiều dài, 65,8 mm chiều cao, trọng lượng 47,7 g.
Ông Hà Ngọc Khoa, thôn Tân Thành, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, một trong những hộ tham gia sản xuất giống cấp II cho biết: “Sau 3 tháng tập huấn thực hành tại cơ sở thực nghiệm của Viện Nghiên cứu NTTS III, cơ sở của tôi đã tự sản xuất được 6.000 con giống với kích cỡ 10 – 15 mm, điệp seo phát triển rất tốt”.
Hội đồng đánh giá cao về kết quả đề tài, vì đây là đối tượng nuôi mới, nuôi khó, đề tài giải quyết được vấn đề về sản xuất con giống. Về khả năng nhân rộng, để nuôi thương phẩm, cần xem xét nghiên cứu thêm về kích thước con giống, môi trường vùng nuôi, cách thức chăm sóc để đảm bảo hiệu quả, phù hợp về yếu tố khoa học và triển vọng kinh tế.
>> TS Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, đánh giá: “Đề tài đã sản xuất được giống nhân tạo điệp seo phù hợp với điều kiện tự nhiên Khánh Hòa và nuôi thử nghiệm thành công điệp seo thương phẩm. Chủ động được nguồn giống nuôi, tạo thêm một đối tượng nuôi mới”. |
Phương Ngọc