(TSVN) – Hỏi: Cá chép bị bệnh thối mang cần xử lý như thế nào?
(Trần Văn Duy, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)
Trả lời:
Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè, mùa thu, thích hợp ở nhiệt độ nước 25 – 35ºC ở cá nuôi lồng, cá nuôi ao có nhiều mùn bã hữu cơ, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp,… Bệnh thối mang hay còn gọi là bệnh mang đóng bùn, thường gặp ở nhiều loài cá nước ngọt như cá trắm cỏ, cá chép, mè hoa,… và cá có trọng lượng từ 100 g trở lên, với tỷ lệ gây thiệt hại cho người nuôi từ 50 – 70%.
Khi trên cá mắc bệnh sẽ có biểu hiện bơi tách đàn, chậm chạp trên mặt nước, bắt mồi giảm hoặc không bắt mồi. Da cá chuyển dần sang màu đen, mang rách nát, thối rữa và dính đầy bùn. Bề mặt xương nắp mang xuất huyết, ăn mòn có hình dạng không bình thường. Trên các tơ mang thối nát dính đầy bùn. Khi phát hiện bệnh, cần tiến hành loại bỏ cá yếu, bệnh ra khỏi khu vực nuôi.
Sử dụng các loại thuốc sát trùng BKC hoặc Benkocid với lượng thích hợp để diệt khuẩn ao nuôi, lưu ý không xử lý nước nuôi cá bằng vôi. Sau khi ngừng sử dụng kháng sinh khoảng 3 – 5 ngày, cần cân bằng sinh thái ao nuôi bằng cách dùng chế phẩm vi sinh có lợi. Điều trị bằng kháng sinh Doxycyclin (3 g) kết hợp Amoxcyline (2 g) cho 1 kg thức ăn và cho ăn trong 7 – 10 ngày để diệt mầm bệnh bên trong.
Để phòng bệnh, trước mỗi vụ nuôi cần vệ sinh sạch, khử trùng ao nuôi bằng cách sử dụng vôi bột, diệt tạp và khử trùng các dụng cụ nuôi trong các dung dịch sát trùng. Treo các túi thuốc sát trùng ở các góc bè, đầu dòng chảy để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Trước mùa dịch bệnh hoặc khi thời tiết chuyển giao mùa nên trộn vitamin C 30 mg/kg trọng lượng cá/ngày.
Ban KHKT