Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè đã tăng gần 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2011 nên người nuôi rất phấn khởi. Với giá thu mua tại bè 31.000 đồng/kg, mỗi bè có thể mang lại cho người nuôi cá điêu hồng khoản lãi trung bình 30 triệu đồng.
Tranh thủ để kịp giá
Tiền Giang là một trong những tỉnh có mô hình nuôi cá điêu hồng trên bè lâu đời và có quy mô lớn nhất ĐBSCL. Với mô hình nuôi này, nhiều nông dân đã vươn lên khá giả chỉ với 1 – 2 bè nuôi cá điêu hồng ban đầu.
Bà Nguyễn Ánh Mai, nông dân nuôi cá điều hồng tại làng bè xã Thới Sơn Tp Mỹ Tho cho biết: "Hiện nay, thương lái thu mua cá điêu hồng tại bè với giá 31.000 – 31.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc, trong vòng 6 tháng nuôi khoảng 25.000 – 26.000 đồng/kg tùy bè, người nuôi có thể lời được 5.000 – 6.000 đồng/kg; với sản lượng trung bình mỗi bè khoảng 5 tấn cá thì chủ bè có thể lời 25 – 30 triệu đồng/bè. Tuy nhiên, thông thường mỗi chủ bè không chỉ có một bè mà có từ 3 – 4 bè trở lên nên mức lợi nhuận có thể lên đến hàng trăm triệu đồng". Đây là hiệu quả hoạt động nuôi cá bè tính tại thời điểm này, còn nếu tính trong tuổi nghề hơn 5 năm của mình, bà Mai đưa ra một hình ảnh trực quan: "Năm 2006, tôi vào nghề nuôi cá điêu hồng với 3 bè, từ 3 bè "nái" này giờ đã "đẻ" ra tới 12 bè".
Cá điêu hồng đang có giá, các chủ bè tranh thủ "thúc" thức ăn cho cá mau lớn, đạt cỡ thu hoạch nhằm tranh thủ lúc giá cá cao. Ông Nguyễn Văn Năm, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy hồ hởi: "Tôi vừa mới thu hoạch 2 bè được 9 tấn cá điêu hồng với giá bán 31.000 đồng/kg, tính ra còn lời được 45 triệu đồng. Hiện tôi còn 4 bè nuôi được 5 tháng, cá đã đạt cỡ trung bình 650 g/con nên tôi tranh thủ cho cá ăn nhiều hơn mức bình thường để cá mau lớn. Dự kiến, trong 15 ngày tới, tôi sẽ thu hoạch các bè này, khi cá có trọng lượng trung bình 700 – 800 g/con".
Vẫn chứa yếu tố rủi ro
Tuy nhiên, một số nông dân cho rằng dù hiện nay giá cá điêu hồng tăng cao, người nuôi có lãi khá, nhưng nghề nuôi cá bè vẫn còn chứa đựng nhiều sự rủi ro, thiếu tính bền vững. Theo ông Đặng Quang Thăng, một trong những nông dân nuôi cá điêu hồng bè thâm niên ở xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho: Dù thời điểm này người nuôi lời được khoảng 25 – 30 triệu đồng/bè, nhưng số lượng bè có cá đạt kích cỡ thu hoạch rất ít. Hiện tại, nếu có 1 bè có cá tới lứa thu hoạch thì có tới 6 – 7 bè cá nhỏ, nên thời gian tới giá cá sẽ giảm lại do sản lượng cá đưa ra thị trường nhiều. Do đó, tính cả quá trình nuôi cá thì chủ bè chỉ huề vốn vì khi giá cá cao, có lời thì nhiều người đổ xô vào nuôi; khi tới thời điểm thu hoạch rộ thì "đụng hàng" dẫn tới giá cá thấp, thua lỗ phải bán bè. "Người nông dân luôn ở trong thế bị động, vì đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định, trong khi chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, con giống cứ tăng. Cuối cùng chỉ nông dân chịu thiệt", ông Thăng nhận định.
Thực tế cũng đã chứng minh, theo ghi nhận của nhiều nông dân, trong năm 2010 có thời điểm giá bán cá điêu hồng thấp hơn giá thành sản xuất 2.000 – 3.000 đồng/kg, mỗi bè bị lỗ 10 – 15 triệu đồng. Nhiều chủ bè không có tiền trả nợ đại lý thức ăn nên bè bị đại lý "kéo" để xiết nợ.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là thời gian qua hầu hết các địa phương đều quy hoạch vùng nuôi thủy sản dựa vào những thuận lợi về điều kiện tự nhiên mà bỏ qua yếu tố cung – cầu thị trường. Một số trường hợp quy hoạch chưa thể hiện được "cái tầm" và tính kiên định của nhà quản lý, vì nuôi tới đâu "quy hoạch" chạy theo tới đó và những trường hợp vi phạm quy hoạch chưa được xử lý nghiêm. Do đó, về lâu dài vấn đề quy hoạch sẽ không thể hiện được đầy đủ vai trò vốn có, bởi cung vẫn tăng vô hạn trong một thị trường hữu hạn và tình trạng dội chợ rớt giá sẽ vẫn tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Hiện Tiền Giang có 265 hộ sở hữu 1.476 bè trên sông Tiền với tổng dung tích bè là 149.892 m3, trong đó: Tp. Mỹ Tho có 1.182 bè; huyện Cái Bè có 22 bè; huyện Cai Lậy có 272 bè. Đối tượng nuôi chính trên bè là cá điêu hồng (90%), còn lại là các loài cá khác như cá lóc bông, chim trắng, he, rô phi.
Thành Công
Nguồn tin: Tiền Giang, 01/05/2011