Cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện một lượng lớn cá điêu hồng nuôi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và được bán ở thành phố này bị nhiễm chất cấm Trifluralin.
Nhưng suốt mấy tháng qua, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc cá.
Tìm 3 tháng không ra
Số cá bị phát hiện nhiễm chất cấm Trifluralin này được Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. Hồ Chí Minh phát hiện từ hồi trước và sau Tết Nguyên đán 2012 tại chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh).
Sau đó, Chi cục này có công văn gửi Chi cục Thủy sản 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đề nghị truy xuất nguồn cá. Tuy nhiên, trong công văn trả lời mới đây, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp đã thông báo… không tìm thấy cá ở đâu.
Sau thông tin trên, trong những ngày qua, PV Báo NTNN đã đi tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện thấy, việc truy tìm nguồn gốc của số cá “độc” này đang “rối như tơ vò”, phần vì thời gian cá được bán đã lâu, phần do thương lái thu gom từ hàng trăm hộ nuôi cá khác nhau.
Trong khi đó, hiện có hàng ngàn hộ dân nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền (Tiền Giang, Đồng Tháp), đoạn sông Cần Lố (Đồng Tháp) và các bè trên sông ở khu vực ĐBSCL.
Ông N.T.H là một thương lái chuyên thu mua cá điêu hồng xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), mỗi ngày mua từ 3-4 tấn cá điêu hồng trở lên từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… sau đó bỏ mối tại chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh).
Vừa qua, lô hàng cá điêu hồng của ông tại chợ Bình Điền đã được ngành chức năng kiểm tra và phát hiện có tỷ lệ chất kháng sinh trong thịt cá vượt mức cho phép. Ông H cho biết:
“Đại diện của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp có đến thông báo cho tôi về việc lô hàng cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm và đề nghị cung cấp thông tin nguồn gốc cá. Tuy nhiên, tôi cũng không biết được nguồn gốc vì rất nhiều người nuôi cá bán cùng lúc nên rất khó xác định”.
Người nuôi cũng không biết cá nhiễm độc
Theo khảo sát của chúng tôi, riêng trên khu vực sông Tiền, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đang có khoảng 300 bè nuôi cá điêu hồng. Ông Nguyễn Văn Tám – người có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá cho biết:
“Trong quá trình nuôi, chúng tôi cũng có sử dụng thuốc kháng sinh trị bệnh. Loại thuốc này chỉ được sử dụng lúc cá còn nhỏ, nên đến thời điểm thu hoạch hầu như dư lượng kháng sinh không còn. Việc hộ nào đó sử dụng chất cấm, tôi không biết”.
Theo ông Tám, do nguồn cá tạp trên thị trường đắt đỏ từ 5-7 năm nay, nên các hộ nuôi cá tại Bình Thạnh chủ yếu sử dụng thức ăn viên công nghiệp để nuôi. Các loại thức ăn như Cargill, Cỏ May, Siêu Vi, Con Cò… được người nuôi cá ưa chuộng.
Mặc dù có thông tin về cá nhiễm chất cấm, song tại thời điểm này, hầu khắp các chợ từ thành thị đến nông thôn ở khu vực ĐBSCL, cá điêu hồng (còn sống) đang được bày bán rất nhiều với giá từ 35.000-45.000 đồng/kg.
Trao đổi với NTNN chiều qua (16.4), ông Nguyễn Văn Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đến nay, tôi vẫn chưa nghe báo cáo về tình hình cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm. Khi có thông tin này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ vấn đề để tránh gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến nghề nuôi cá”.
Dùng chất Trifluralin ở cá điêu hồng là hiếm gặp
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: "Chất Trifluralin là chất đã được Bộ NNPTNT quy định cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, còn trong bảo vệ thực vật vẫn được cho phép sử dụng để trừ cỏ. Hiện mỗi năm nước ta vẫn nhập loại thuốc này, nhưng những năm gần đây số lượng không nhiều vì có nhiều chất khác thay thế". Theo ông Hồng, chất Trifluralin có độc tố thấp. "Năm 2011, chúng tôi đã phát hiện việc sử dụng chất Trifluralin sai mục đích và ngay sau đó cục đã có báo cáo lên Bộ sự việc này để có các biệt pháp siết chặt quản lý nên số lượng vi phạm có lẽ chỉ là cá biệt" – ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Tử Cương – Trưởng ban Phát triển thuỷ sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) cho hay: Trước đây, Trifluralin vẫn được phép dùng để trị bệnh rêu ở tôm. Hiện tại, các nước đều quy định ở giới hạn tối đa cho phép, riêng Nhật Bản là cấm. Việt Nam đã cấm dùng chất này vào cuối năm 2011, các cơ quan chức năng đã có văn bản và thông báo rộng rãi nên theo tôi người dân đều nắm được và chẳng ai dại gì lại làm liều. Theo ông Cương, để trị bệnh rêu ở tôm, hiện có nhiều loại chất khác hiệu quả hơn mà giá cũng rẻ hơn Trifluralin, riêng việc sử dụng đối với cá điêu hồng là trường hợp hiếm gặp".
Thanh Xuân
Hoàng Mai – Minh Hà
Theo Dân Việt