Cá lóc có vết loét, nổi lờ đờ phải làm sao?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá lóc ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ, da xám, có vết loét. Hỏi đây là dấu hiệu của bệnh gì và phương pháp điều trị ra sao?

(Phan Minh Long, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Với các dấu hiệu trên, có thể nghi ngờ cá lóc bị bệnh lở loét. Đây là bệnh thường gặp nhất trên cá lóc trong mùa lũ. Hội chứng lở loét ở cá (Epizootic ulcerative syndrome) – EUS do nhiều tác nhân gây ra, trong đó nấm Aphanomyces invadans là tác nhân chính gây ra những đốm đỏ và vết loét trên thân cá bệnh. Khi bị bệnh, cá có dấu hiệu ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ, da xám, có vết loét hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, vây và đuôi. Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ở hậu môn.

Để điều trị bệnh, cần thay 30 – 50% nước trong ao, vệ sinh xung quanh ao và xử lý nước bằng một trong các hóa chất Fresh water, BKC 80%, Vimekon… Có thể sử dụng Anti-RED trộn vào thức ăn và cho ăn trong 5 – 7 ngày, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, bổ sung Glusome 115, Vitamin C Antistress, Elecamin… giúp tăng sức đề kháng cho cá. Lưu ý: Nên tính lượng thuốc dựa vào số lượng cá trong ao vì khi cá bệnh thường giảm ăn.

Phòng bệnh có tính chất quyết định đến kết quả nuôi. Do đó, để hạn chế dịch bệnh, cần tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để diệt các tác nhân gây bệnh. Quản lý tốt môi trường nuôi, cung cấp nước nuôi cá bằng nước sạch. Ổn định môi trường, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh bằng cách xử lý định kỳ 15 ngày/lần bằng dung dịch Vimekon (1 g/m3 nước). Tránh làm cá bị xây xát, không để cá bị nhiễm các loại bệnh ngoài da sẽ tạo điều kiện cho bệnh cá phát triển. Cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao để tăng sức đề kháng. Đồng thời, thường xuyên trộn men tiêu hóa, Vitamin C, premix vào thức ăn cho cá.

Ban KHKT

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!