Ông lão Sáu Biên (Nguyễn Văn Biên) trầm ngâm, tặc lưỡi: “Bồ Đề hả? Mùa này nhọc lắm. Phương kế sinh nhai càng lúc hẹp dần và kém hiệu quả. Bao nhiêu nghề rồi cũng phải chuyển. Riết, xứ biển này heo hút quá”.
Ông Sáu đã bám mảnh đất bên kia đầu cầu phía Chợ Thủ B ra Bồ Đề ngót hơn 40 năm. Hơn ai hết, ông đã chứng kiến thời hoàng kim ở Bồ Đề và cả những lúc Bồ Đề heo hút nhất.
Ông Lâm Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, cho biết: “Mùa nước đổ từ tháng 8 âm lịch cho tới hết chướng, vì thế nghề biển ở Bồ Đề phải liệu cơm gắp mắm. Bởi con nước đổ về từ Cửu Long khiến dòng chảy ở Bồ Đề thêm hung hãn. Trở chướng, biển nhiều cá, tôm nhưng sóng to, gió lớn. Trong khi dân Chợ Thủ B giáp mặt biển nhưng bao đời chỉ mưu sinh bằng phương tiện nhỏ”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bồ Đề là nơi đồn trú của những chiến hạm hung tợn, tàu sắt Mỹ – Ngụy dập dìu. Từ đây, những chiến hạm, tàu tuần tiễu chạy dọc qua Tam Giang về sông Cửa Lớn hoành hành vùng Năm Căn, làm bàn đạp tấn công vào đất liền và dọc dài bờ biển Đông – Tây, vịnh Thái Lan.
Hai bên cửa Bồ Đề khi đó (nay là ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông và ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây) không một bóng người. Cư dân chỉ sống ven theo các con rạch nhỏ và nằm sâu trong bìa rừng phòng hộ. “Sau giải phóng, ngư dân bắt đầu ra Bồ Đề sinh kế từ xuất phát điểm nghèo nàn và lạc hậu hơn cả so với các cửa biển khác”, ông Sáu Biên kể.
Thời kỳ sung mãn nhất ở Bồ Đề được ông Sáu và một số ngư dân nơi đây cho biết là vào khoảng từ năm 1984 đến 1992. Khi đó, trên vùng biển này, Nhà nước hình thành tổ chức liên doanh sản xuất nghề biển. Lượng ghe biển công suất trên 30 CV tập trung nườm nượp.
Khai thác cá úc là nguồn thu nhập chính của người dân Bồ Đề trong mùa nước đổ – Ảnh: Phong Phú
Rồi xóm biển heo hút hình thành nhóm chợ, nhu cầu mua bán mở hướng. Nóc nhà hai bên xóm cửa Bồ Đề bắt đầu mọc như nấm sau mưa. Loại cá một thời vang bóng là cá đường, cá chét từ đây chuyển về tuyến trên xuất khẩu.
Làng cá hình thành chớp nhoáng rồi đi vào hiu hắt y như ngày đầu tiên của Bồ Đề sau giải phóng. Làm ăn kém hiệu quả, chi phí nhiên liệu cho các chuyến biển cứ tăng và nguy cơ thua lỗ khiến ngư dân không thể bạo gan đánh đổi.
Những chuyến ghe được đầu tư trước đây dần được bán chuyển sang nghề mưu sinh mới hơn: nghề cào, te ven bờ. Cứ thế, khi hình thức khai thác mới đưa vào đánh bắt được một thời gian thì hiệu quả mang lại có chiều hướng tỷ lệ nghịch với chi phí và công sức bỏ ra.
Vậy là cứ chuyển đổi.
Sau hơn 35 năm giải phóng, nghề hưng thịnh nhất xứ biển Bồ Đề vẫn là làm lưới cá khoai, cá úc, bắt cá dứa. Còn những lượt người hoàn cảnh khó khăn khác thì hoặc ly hương làm thuê đất khách, hoặc đánh đổi bằng việc chặt phá rừng hay tìm bắt sản vật dưới tán rừng phòng hộ.
Ông Sáu Biên còn nhớ rất rõ, vào năm 1992, xứ này bắt đầu “hút” dân tứ xứ đổ về. Phần làm nghề biển, phần vào rừng chặt cây, chiếm đất làm vuông tôm, xây lò hầm than. Thậm chí hình thành cả một Xóm Lò mà danh tiếng còn truyền đến ngày nay.
Về nuôi thuỷ sản, xứ Chợ Thủ B chỉ ít hộ dân tham gia. Nguyên nhân lớn là do “đất canh tác không nhiều, nghề nuôi hiệu quả không cao, trong khi dân tứ xứ đổ về quá đông”, ông Lâm Quốc Cường cho biết thêm.
Nước đã ròng sát đáy, con kinh bên mép lộ nối đoạn từ Chợ Thủ A ra Bồ Đề hướng bên ấp Chợ Thủ B chỉ còn lại lòng lạch. Từ mép cửa sông Bồ Đề lên khu tái định cư Chợ Thủ B chưa đầy 200 m đã có 3 – 4 dãy nhà ken nhau.
Anh Nguyễn Thành Thu, Trưởng Ban nhân dân ấp Chợ Thủ B, chia sẻ: “Ấp có 401 hộ, trong đó hộ nghèo, cận nghèo, không đất sản xuất chiếm nhiều. Nếu so sánh trong 14 ấp của xã Tam Giang Tây thì Chợ Thủ B là ấp khó khăn nhất”.
Nói heo hút, nhưng nếu ai có dịp xuôi dòng Tam Giang, ngược sóng Bồ Đề về Chợ Thủ B vào khoảng từ tháng 4 đến cuối tháng 7 âm lịch sẽ thấy hết cảnh huyên náo. Trên tuyến sông từ Kinh 17 dọc về UBND xã rồi rẽ sang Bồ Đề, hai bên là những ụ phao dày bịt. Đó là cảnh hiện hữu của nghề đăng mành cá kèo, cua giống cho ngư dân huê lợi rất cao.
Mỗi ngày, một hộ làm nghề đóng đáy mành kiếm vài trăm ngàn đồng là chuyện nhỏ. Những người có vốn khá thì ra bờ biển, ít vốn thì men theo các nhánh sông. Mỗi ngày trong mùa này, ngư dân tập trung vài trăm người, xuồng, vỏ neo đậu như bến chợ; cùng với xuồng ghe ngược xuôi của thương lái thu mua cá, cua giống tạo nên khung cảnh náo nhiệt kéo dài cho tới khi bắt đầu mùa nước đổ.
Anh Thống cùng hai người bạn đang hì hục dưới lòng lạch cố rồ ga đưa chiếc xuồng cắt lái vào sát mé để chuyển cá lên bờ sau chuyến đánh lưới.
Anh cho hay, cả nửa tháng nay, khi nước đổ về thì cửa sông Bồ Đề không còn đăng mành nữa, ngư dân chuyển sang nghề lưới cá khoai, cá úc và cá dứa.
Như chuyến đánh lưới của anh trên đoạn sông Bồ Đề vài tiếng đồng hồ cho thu hoạch khoảng 20 kg cá úc. Giá cá mùa này bán ra từ các chủ ghe đánh bắt như anh Thống từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Tính nhẩm sơ, chuyến đánh cá của anh mang về ít nhất 400.000 đồng/ngày (chưa trừ chi phí).
Với lưới cá khoai, đây là nghề được chọn nhiều nhất vì hiệu quả và giá cá hơi nới và hút hơn. Tuy vậy, trúng – thất cũng tuỳ theo nước, theo trăng hay thời tiết. Những lúc biển êm, tàu đánh cá khoai trúng đậm, lãi cao, ngư dân rất phấn khởi.
“Mùa trở chướng, thời gian biển êm không nhiều. Ngư dân cũng vì thế hạn chế những chuyến vươn xa bờ. Ở phía bên trong cửa biển hoặc một số nhánh sông đoạn gần Bồ Đề với vài trăm thước lưới cá khoai mỗi nhân công có thể kiếm 200.000-300.000 đồng/ngày”, ông Sáu Biên cho hay.
Còn anh Thống thì hóm hỉnh: “Cái nghề này nếu ngày nào cũng được vài chục ký như bữa nay thì xứ này đâu còn hộ nghèo”.
Thiếu đất sản xuất, nhiều năm gần đây cư dân xóm Chợ Thủ B gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn lợi giống thuỷ sản và rừng phòng hộ. Phần vì nhu cầu giống của thị trường (bởi không chỉ riêng Bồ Đề mới khai thác đăng mành bắt giống) phần vì kế mưu sinh, thiếu tư liệu sản xuất và áp lực di dân.
Anh Lâm Quốc Cường cho biết, xã đang có dự định chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân sang nghề lưới cá khoai, cá úc và tiến tới thành lập tổ hợp tác sản xuất.
“Cá, tôm thì vẫn đầy bụng biển, nhưng để đánh bắt phải đầu tư ngư cụ xứng tầm, để mỗi chuyến biển không vì trời trở gió mà ngư dân phải thua lỗ. Có thế, đời sống ngư dân ven Bồ Đề mới mau bớt khó”, ông Sáu Biên trần tình.
Gió bắt đầu thốc mạnh bên vạt rừng phòng hộ. Con nước lớn từ cửa Bồ Đề đang đạp về phía Tam Giang. Những ụ phao chưa tháo gỡ sau mùa đăng mành rung lên theo từng lượt sóng trắng toát như đang cùng nhảy múa.
Chẳng mấy chốc, nước lại bò lên lé đé mặt đê. Bằng kinh nghiệm của một lão ngư, ông Sáu Biên nhìn về cửa Bồ Đề, tiên đoán: “Năm nay triều cường lớn, con nước đổ đợt này chắc khó bề mần ăn”.
>> Xã Tam Giang Tây là 1 trong 10 xã bãi ngang ven biển của tỉnh Cà Mau. Xã có chiều dài bờ biển 11 km. Toàn xã có gần 11.400 khẩu, sinh sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và đáy sông. Xã hiện còn 10,1% hộ nghèo. Ước tính thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm. |