Cách đây hơn 3 năm, khi giá cá kèo thương phẩm tăng cao đến mức kỷ lục, nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu nhờ nuôi cá kèo. Cũng bắt đầu từ đó, nông dân ồ ạt đào ao, thả giống làm cho con cá kèo rơi vào “được mùa, mất giá”.
Gần 1 năm nay, cá kèo rớt giá thê thảm. Hiện giá cá kèo thương phẩm bán tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ dao động từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với giá trước đây.
Ông Nguyễn Văn Phong, người được nông dân ấp Tân Phước, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tặng cho danh hiệu "vua cá kèo" cũng lao đao trước giá cá hiện nay. Từ năm 2007, nuôi tôm công nghiệp không thành công như mong đợi, 7 ao tôm công nghiệp, diện tích khoảng 2 ha được ông chuyển sang nuôi cá kèo.
Cắn răng, chờ giá
Mô hình nuôi cá kèo của ông Nguyễn Văn Phong, ấp Tân Phước, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi.
3 năm trước, con cá kèo mang về cho gia đình ông Phong bạc tỷ mỗi năm. Thế nhưng, bước sang năm 2011, giá cá rớt thê thảm, chỉ còn bằng 1/2 trước kia. Vì thế, nhiều người nuôi cá kèo đang chờ giá. Nếu giá cá không tăng thì vụ nuôi năm nay lỗ vốn.
Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 hộ nuôi cá kèo với diện tích gần 200 ha. Anh Trần Văn Linh, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, lo lắng: "Trong thời gian chờ giá cá nhích lên, mỗi ngày tôi bỏ ra từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng để cho cá ăn cầm chừng. Nếu giá không lên thì lỗ càng thêm lỗ. Còn nếu bán lúc này thì lỗ ít nhưng tiếc, đành phải mạo hiểm".
Không dám mạo hiểm như anh Linh, anh Trịnh Văn Nghiệp, ấp Tân Phước, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, vừa bán hết ao cá kèo, chấp nhận chịu lỗ trên 12 triệu đồng.
Một nguyên nhân có thể thấy rõ nhất là tâm lý sản xuất của người dân. Đa phần nông dân sản xuất không theo quy hoạch, không có kế hoạch. Khi thị trường có loại cây, con gì giá thành cao là người dân ồ ạt bắt tay vào sản xuất mà không quan tâm đến vấn đề quan trọng là đầu ra sản phẩm. Do đó, khi đến vụ thu hoạch cung vượt cầu, rớt giá đều tất yếu.
Cần cân bằng cung – cầu
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, do nuôi cá kèo khá đơn giản, ít gặp rủi ro như nuôi tôm nên nhiều người dân đầu tư nuôi. Trong khi đó, cá kèo chủ yếu tiêu thụ nội địa, nên chịu ảnh hưởng tất yếu của quy luật cung – cầu.
Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương thu hoạch cá rầm rộ khiến cung vượt cầu. Cũng nhân cơ hội này, tư thương ép giá làm cho lợi nhuận của người dân giảm sút đáng kể, thậm chí nhiều hộ không có lãi.
Nghề nuôi tôm được dự báo là ngày một khó khăn do chịu tác động của biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh hoành hành… mô hình nuôi cá kèo mở ra hướng đi mới cho người dân.
Tuy nhiên, để mô hình nuôi này phát triển bền vững, căn cơ, theo ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân, một vấn đề quan trọng nhất để nghề nuôi thành công là sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương. Cần đẩy mạnh việc liên kết "4 nhà", phát triển thị trường trong và ngoài nước nhằm bảo đảm cán cân cung cầu.
Nguyễn Phú
Theo Báo Cà Mau