Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất nước. Những năm trước đây các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu chưa quan tâm nhiều đến nguồn nguyên liệu, mà chỉ quan tâm đến xây mới các nhà máy chế biến.
Phát triển “nóng”, thiếu sự phối hợp, hậu quả là các doanh nghiệp thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu sản xuất. Tình trạng này hầu như năm nào cũng tái diễn.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau, cho biết, 9 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm nguyên liệu tăng 10% so cùng kỳ năm 2011, nhưng chỉ đáp ứng 40% công suất cho các nhà máy chế biến.
Nguyên nhân do công nghiệp chế biến phát triển “nóng” trong thời gian dài và gần như chưa có sự phối hợp, liên kết vùng trong ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Theo nhận định, tình trạng thừa công suất, thiếu tôm nguyên liệu sẽ còn diễn ra đến năm 2020, nếu không có giải pháp khắc phục ngay bây giờ.
Cần có hướng quy hoạch cụ thể để cung – cầu nguồn nguyên liệu tôm cân đối hiệu quả – Ảnh: Hồng Nhung
Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2015, ĐBSCL không đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu mà chỉ đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị với nhà máy hiện có nhưng lạc hậu.
Quy hoạch này chưa triển khai thực hiện, nhà máy tiếp tục được xây dựng, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu ngày càng trầm trọng.
Khi công nghiệp chế biến chưa phát triển, Nhà nước có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư. Khi phát triển thừa, lẽ ra các chính sách đó được điều chỉnh. Nhưng điều này chưa làm được, cơ quan chức năng thì chưa đưa ra khuyến cáo, còn nhà đầu tư thì thiếu thông tin. Hậu quả gần hết nhà máy mới xây đang nằm trong danh sách có nguy cơ phá sản.
Cung, cầu mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến tranh mua, tranh bán, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và cả người nuôi tôm.
Ngoài nguồn nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản xuất khẩu được cung cấp chủ yếu từ sản lượng nuôi trồng và khai thác, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp “chữa cháy” cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như bảo đảm hoạt động cho các nhà máy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân, nhiều doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ các nước lân cận.
9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khâu thuỷ sản ước đạt 566,5 triệu USD, tăng 4% so cùng kỳ năm 2011, đạt 57% so kế hoạch. Thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật, Mỹ, EU, nhưng thị trường xuất khẩu khối EU giảm tới 35%. Điều này cho thấy kế hoạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 990 triệu USD đang là một thách thức lớn.
Để giải quyết bài toán thiếu tôm nguyên liệu chế biến thuỷ sản xuất khẩu, tỉnh triển khai đề án nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất tôm – lúa, quy hoạch 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp.