Cà Mau cần giải bài toán thiếu nguyên liệu tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá trị xuất khẩu tôm Cà Mau đang tăng mạnh, khiến giá trị xuất khẩu của tỉnh tiếp tục thu kết quả tốt. Vượt qua được tình trạng thiếu nguyên liệu, ngành tôm sẽ trở thành cứu cánh cho xuất khẩu thủy sản.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Cà Mau (CASEP) cho biết, trong quý III, xuất khẩu thủy sản của tỉnh có sự tăng trưởng trên 30%, trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu chính với 95% giá trị, và TTCT có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Hiện, giá tôm nguyên liệu tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông Thuận nhấn mạnh: nhu cầu TTCT kích cỡ nhỏ đang tăng mạnh, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi. Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao, cộng với nguồn cung khan hiếm do tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra nên giá tôm tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg, 30 con/kg, 40 con/kg tăng lần lượt 12%, 44% và 32%; đối với TTCT loại 100 con/kg, 90 con/kg, 80 con/kg, 70 con/kg và 60 con/kg tăng lần lượt 53%, 88%, 74%, 77% và 73%.

Mặc dù xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng chính trong xuất khẩu thủy sản nhưng việc nhập khẩu tôm nguyên liệu cũng tăng cao do nguồn nguyên liệu trong tỉnh không đủ cung cấp. Hiện nay, theo thống kê của Sở NN&PTNT Cà Mau, 31/32 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản công suất hoạt động chỉ ở mức 30 – 40%. Nguyên nhân là do vụ nuôi cũ đã vào thời điểm sên vét ao đầm, tôm dự trữ và tôm trong ao không còn nhiều, trong khi vụ mới đang bắt đầu. Trước đó, thương lái Trung Quốc đã thu gom “sạch bách” tôm nên các nhà máy thiếu nguyên liệu lại càng thiếu hơn.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe, cho biết: Tình trạng tận thu nguyên liệu của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong thu mua nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp ngoài việc có vùng nguyên liệu của riêng mình, cần chủ động liên kết tìm từ những nguồn ngoài nước và ký những đơn hàng phù hợp. Bản thân mỗi doanh nghiệp nên tự chủ động cân đối giữa lượng hàng xuất khẩu và nhập khẩu, người nuôi không nên phụ thuộc vào việc thu mua của Trung Quốc.

>> Theo ông Quách Nhật Bình, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, thời điểm này người nuôi bắt đầu thả nuôi vụ mới, nên các địa phương trong tỉnh cần chuẩn bị tốt con giống, áp dụng biện pháp hạn chế dịch bệnh để ổn định năng suất trong khi chờ đợi biện pháp khoa học về điều trị dịch bệnh trên tôm.

Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!