Cà Mau: Chủ động phòng bệnh trên tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, từ tháng 1 – 3/2024, ghi nhận đã có 4 hộ nuôi thâm canh TTCT tại huyện Đầm Dơi xảy ra tình trạng tôm chết (với diện tích 0,72 ha). Tôm chết với các biểu hiện khá tương đồng với bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD), nên địa phương đã nhanh chóng đưa ra khuyến cáo với người nuôi để ngăn ngừa thiệt hại.

Theo chia sẻ của các chủ hộ nuôi, nguồn tôm giống từ các cơ sở sản xuất ở các tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau cung cấp, lúc thả tôm khỏe mạnh bình thường. Sau khi thả con giống 2 – 3 ngày, tôm có biểu hiện giảm ăn, thân trắng đục, gan tụy mờ nhạt… và chết từ từ, ngày càng nhiều. Đến ngày thứ 7, tỷ lệ tôm chết cao, hơn 90%. Hiện tượng tôm chết sớm thời gian qua với các dấu hiệu: tôm giảm ăn, bơi lờ đờ, đường ruột trống, không có thức ăn, gan tụy nhạt màu, thân tôm gần như trong suốt hay mờ đục. Tôm chết rải rác sau khi thả nuôi, sau đó chết nhanh, chết nhiều sau 5 – 10 ngày thả nuôi.

Trước đó, ngày 8/4, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 806/TY-TYTS việc rà soát, báo cáo hiện tượng tôm chết sớm nghi do TPD và triển khai các biện pháp phòng, chống. Theo nội dung Công văn, hiện nay, Tổ chức Thú y thế giới và mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản châu Á – Thái Bình Dương (NACA) chưa công bố thông tin và phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh này. Đồng thời, đến nay, ngoài Trung Quốc chưa có quốc gia nào báo cáo có xuất hiện bệnh TPD trên tôm nuôi. 

Bệnh TPD có tỷ lệ chết đến 90%. Ảnh: V.Đ

Tuy nhiên, đối chiếu với những biểu hiện dịch bệnh trên tôm nuôi tại Cà Mau có rất nhiều điểm tương đồng với biểu hiện của bệnh TPD. Theo đó, có thể thấy hiện tượng tôm chết sớm khả năng do bệnh TPD là rất cao, có thể nguồn xuất phát từ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống đã bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, tỷ lệ chết đến 90% trong vòng vài ngày sau khi thả nuôi.

Trước tình hình này, ngày 2/5/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn hỏa tốc số 3248/UBND-NNTN gửi Sở NN&PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu; UBND các huyện, TP Cà Mau về việc theo dõi, xử lý tình hình tôm nuôi chết sớm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, TP Cà Mau và các đơn vị có liên quan, khẩn trương tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đơn vị chức năng để xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm nuôi chết sớm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi thủy sản, dịch bệnh trên tôm, cua, đặc biệt là bệnh TPD trên địa bàn tỉnh, kịp thời hướng dẫn, xử lý dịch bệnh nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi; khuyến cáo người nuôi mua tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, nuôi tôm thâm canh, nhất là giống TTCT; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển tôm giống, kiểm soát tôm giống nhập tỉnh. 

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT; Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu; các viện, trường và đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức nghiên cứu giải pháp phòng, trị bệnh TPD, nhằm giúp người dân giảm thiệt hại, ổn định sản xuất trong thời gian tới. 

UBND các huyện, TP Cà Mau chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi và tuân thủ khuyến cáo lịch thời vụ thả nuôi của cơ quan chức năng, kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo trong trường hợp bệnh dịch diễn biến phức tạp. 

Bệnh TPD hay còn được gọi là bệnh mờ đục trắng gan trên con giống TTCT. Từ tháng 3/2020, dấu hiệu của bệnh TPD đã bắt đầu xuất hiện tại một số trại nuôi tôm giống thẻ chân trắng ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó, căn bệnh này đã lan ra các vùng nuôi tôm lớn hơn ở phía Bắc Trung Quốc thông qua các ấu trùng tôm (PL).

Bệnh TPD thường tập trung vào các ấu trùng tôm khoảng từ 4 đến 7 ngày tuổi (PL4 - PL7) và gây tỷ lệ lây nhiễm nặng. Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 60% vào ngày thứ hai sau khi đã bị nhiễm bệnh, và 90 - 100% vào ngày thứ ba.

Bệnh TPD là một bệnh gây chết cao ở TTCT, đã bắt đầu xảy ra ở một số trại sản xuất giống tôm ở tỉnh Quảng Đông và tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tôm bị bệnh có các dấu hiệu lâm sàng điển hình như: 

  • Đường tiêu hóa trống rỗng và gan tụy nhợt nhạt/ không màu.
  • Tỷ lệ chết ở quần thể bị bệnh có thể lên tới 90 - 100% thường trong vòng 72 giờ kể từ khi xuất hiện bất thường. 

Kết quả, 80% trại sản xuất giống ở các vùng nuôi tôm ven biển chính của Trung Quốc đã ngừng sản xuất ấu trùng post TTCT vào năm 2020, và sự lây lan của TPD đã gây ra mối đe dọa mới cho sự phát triển của ngành tôm.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!