Rõ ràng, ai cũng biết rằng việc vi phạm nguồn lợi thuỷ sản ven bờ không phải là vì người dân thiếu hiểu biết, mà đa phần do cuộc sống quá khó khăn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngành, nghề giúp người dân ổn định cuộc sống lại không thể thực hiện được do quá nhiều nguyên nhân…
Anh Huỳnh Hoàng Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, bức xúc: “Tập trung trên tuyến đê biển Tây có hơn 500 hộ dân sinh sống, đa số là hộ nghèo, sống bám vào nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. Mặc dù bản thân họ đều nhận thức rõ rằng việc khai thác gần bờ là phạm pháp.
Tuy nhiên, ngoài nghề khai thác biển thì họ không còn nghề nào khác. Chính quyền địa phương cũng quyết tâm lắm trong vận động họ chuyển đổi nghề, nhưng mọi cố gắng cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động. Vấn đề vẫn là họ không có vốn để chuyển sang một nghề khác”.
Người dân giăng bắt các loài thuỷ sản ở bãi bồi Mũi Cà Mau – Ảnh: Thanh Chi
Chị Nguyễn Ánh Tuyết, vợ của Trưởng ấp 1, xã Khánh Hội, là một trong những phụ nữ có nhiều quyết tâm trong chuyển đổi nghề.
Chị Tuyết bộc bạch: “Nhiều khi chúng tôi cũng thấy ngại khi chồng là trưởng ấp nhưng gia đình lại sống bằng nghề đánh lưới 3 màng ven bờ. Nhưng biết làm gì hơn, đó là nghề cha truyền con nối đã hơn 10 năm nay rồi.
Nếu không làm nghề này, chẳng lẽ để gia đình rơi vào hộ nghèo, con cái thất học, gánh nặng cho địa phương… Thử hỏi cái nào tệ hơn?”.
Trong chuyến làm việc với Sở NN&PTNT vào đầu năm 2012, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình nhấn mạnh: “Ngành thuỷ sản cần khẩn trương khảo sát hiện trạng những người làm nghề khai thác thuỷ sản vùng biển ven bờ để có phương án chuyển đổi ngành nghề phù hợp đối với các đối tượng này”.
Tuy nhiên, từ sau đợt làm việc đó đến nay cũng đã hơn 1 năm, nhưng tình hình vẫn không khá hơn chút nào, nghĩa là ngành chức năng và địa phương sở tại vẫn chưa tìm ra hướng tháo gỡ những khó khăn này.
Anh Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, cho biết: “Hiện chi cục đang làm đề án chuyển đổi nghề cho cư dân ven biển tỉnh Cà Mau để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, vì đây là một đề án lớn, cần nguồn kinh phí lớn nên không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Và có thể lộ trình đến năm 2020 mới bắt đầu triển khai”.
Không biết “đề án lớn” này đến khi nào mới được trình đến UBND tỉnh xem xét, chỉ biết rằng đến nay nó vẫn chưa xong về mặt thủ tục pháp lý, nó vẫn còn đâu đó trên bàn giấy của các sở, ngành. Trong khi đó, đời sống người dân vẫn đang “vật lộn” từng ngày do sự cạn kiệt của nguồn lợi thuỷ sản.
Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến tình hình khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ cũng như sớm tìm lời giải cho bài toán an sinh của cư dân nghèo ven biển.