Cà Mau: Con cua đang tìm “bến đậu” an toàn

Chưa có đánh giá về bài viết

Cua là một trong hai mặt hàng thủy sản chiếm ưu thế đối với vùng nuôi trồng thủy sản. Huyện Năm Căn (Cà Mau) có diện tích nuôi cua khá lớn, chiếm trên 25.600 ha. Sau con tôm sú thì con cua chiếm vị thế khá cao về sản lượng và giá trị.

Thế nhưng, từ lâu con cua vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến xuất xứ, giá cả thị trường mặt hàng này luôn biến động. Mặc dù con cua đã được xuất khẩu nhưng vẫn còn "bí ẩn" ở thương hiệu của mình.

Bí thư Huyện ủy Năm Căn Trần Văn Hiện cam kết sẽ xây dựng thương hiệu cua biển Năm Căn trong thời gian sớm nhất. Cua Năm Căn xuất qua thị trường Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện trên địa bàn thị trấn Năm Căn có 49 hộ làm vựa thu mua cua, khoảng 2/3 bán hàng thẳng sang thị trường Trung Quốc, thị trường trong nước chỉ là phụ.

 

Làm ăn bấp bênh

Cua mua về được các vựa thuê người cắt dây trói lại bằng dây vải. Vải trói chiếm 20%, 30% hoặc 40% trọng lượng, tùy theo đơn đặt hàng.

Chính vì con cua hút hàng ở thị trường nước ngoài nên đẩy giá tăng cao. Anh Lê Minh Thừa, thương lái thu mua cua ở xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn cũng là nơi đóng thùng cua xuất sang Trung Quốc, cho biết, sau khi thu mua về, thuê người cắt dây và trói lại theo đơn đặt hàng, sau đó đóng thùng, vẽ mã số và gửi hàng sang Trung Quốc bằng xe tải hoặc máy bay.

Anh Nguyễn Mây, vựa thu mua cua ở khu vực 2, khóm 8, thị trấn Năm Căn, cho biết, theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, đối tác đặt trói cua bằng dây vải, tỷ lệ cua tám, dây hai hay là cua bảy, dây ba.

Anh Mai Tuấn cũng là vựa thu mua cua và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ở khóm 8, thị trấn Năm Căn, cho biết, đối với vựa anh Tuấn thì trói bằng dây nhựa. Nhưng cũng trói theo tỷ lệ đã được đặt trước.

Như vậy, chuyện "lùm xùm" từ dây trói cua bấy lâu nay lại xuất phát từ đơn đặt hàng của đối tác. Nhưng oái oăm thay, ở thị trường nội địa, người mua cua phải mua cả dây trói cua to tướng.

Các vựa thu mua cua cho biết, cua bán sang Trung Quốc nhưng các dựa không hề biết đối tác làm ăn và hàng của mình được tiêu thụ ở đâu. Chỉ thông qua điện thoại và địa chỉ, khi hàng chuyển qua thì một hai ngày sau mới nhận được tiền.

Anh Lê Minh Thừa cho biết, có những chuyến hàng, phía đối tác trừ ba bốn chục triệu đồng. Nếu không đồng ý với giá đó, đôi khi đối tác không thanh toán. Vì thế, tuy con cua có giá cao nhưng cách làm ăn này rất mạo hiểm và doanh nghiệp bị mất tiền lớn là chuyện bình thường.

 

Giá "ba chìm bảy nổi"

Chính vì làm ăn không hợp đồng, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh cua của huyện Năm Căn tất cả đều phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc. Thế nên, giá cả phụ thuộc vào giá mà phía đối tác đưa ra. Cua gạch có lúc giá 640 ngàn đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm còn khoảng 300 ngàn đồng.

Giá cua không ổn định, trước tiên nông dân chịu thiệt, sau đó là các thương lái. Có hôm, một đơn vị thu mua cua lỗ vài chục đến cả trăm triệu đồng chỉ vì giá phía đối tác đưa ra giảm đột biến. Thế nhưng, do từ khi con cua xuất sang thị trường nước ngoài thì giá tăng cao nên các vựa thu mua chấp nhận mạo hiểm.

Anh Mai Tuấn nói, cách làm ăn này rất khó cho các cơ sở thu mua. Bởi thị trường không ổn định, nguồn lợi bấp bênh, tất cả đều phụ thuộc đối tác.

Thế nên, để xây dựng một thương hiệu cho con cua Năm Căn nói riêng và cua Việt Nam nói chung, đồng chí Trần Văn Hiện cho biết, ngoài việc đăng ký thương hiệu thì điều đầu tiên là chấn chỉnh ngay việc mua bán cua kiểu trói dây to. Vì như thế vừa làm mất đi hình ảnh con cua Việt Nam trong tính chân thực của thị trường, vừa làm ô nhiễm môi trường. Và cách kinh doanh của các vựa cua hiện nay đều phụ thuộc các doanh nghiệp nước ngoài là điều không hợp lý.

Nguồn lợi từ con cua đã từ lâu không thua kém tôm sú nhưng nó vẫn trôi nổi, vô danh. Thế nên, tìm "bến đậu an toàn" cho con cua là việc cần làm ngay.

Huỳnh Lê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!