Thời điểm cuối năm 2010, giá cua gạch có lúc tăng đến 640.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân, khoảng ba con nước gần Tết và sau Tết đến nay thu vài chục đến vài trăm triệu đồng từ tiền cua.
Chị Nguyễn Hồng Thắm, ấp 4, xã Hiệp Tùng, chia sẻ: "Lúc trước Tết cua mỗi ngày tăng từ 100.000-200.000 đồng/kg. Nhiều bữa cua lên đến 640.000 đồng/kg mà giật mình, lúc đó nông dân không còn kèo giá với thương lái. Nếu họ mua 400.000 đồng/kg vẫn bán, vì từ trước đến giờ giá cua đâu có tăng cao như vậy".
Ông Lê Công Lý, ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, cho biết: "Mấy năm trước có ngày bán vài chục kí-lô-gam cua, còn bây giờ mỗi ngày 2-3 kg là nhiều, nhưng thu nhập thì như nhau vì giá cua rất cao".
Cua tăng giá, thương lái ráo riết tìm mua.
Theo kinh nghiệm của người thu mua, do thời tiết lạnh cua ít chịu đi ăn nên người dân xổ vuông sản lượng cua ít đi và câu cua cũng ít. Thị trường khan hiếm nên đẩy giá tăng cao.
Những năm gần đây nhiều nông dân bắt tay vào nuôi cua xen canh với tôm để tăng thu nhập và đề phòng rủi ro do con tôm mang lại. Nhiều hộ trúng cua hơn cả trúng tôm. Người dân còn tính toán cách chọn thời điểm thả giống để bảo đảm đầu ra và lợi nhuận. Giá cua tăng càng tạo thêm động lực và niềm phấn khởi cho nông dân.
Nhiều doanh nghiệp ở Năm Căn hợp tác với các doanh nghiệp bán hàng sang nước ngoài, mà chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Anh Nguyễn Mây, chủ vựa thu mua cua ở khu vực 2, khóm 8, thị trấn Năm Căn, cho biết, mỗi ngày anh mua trung bình 150 kg cua các loại. Riêng ở thị trấn Năm Căn có 49 vựa thu mua cua và hơn 2/3 số vựa bán cua sang thị trường Trung Quốc.
So với con tôm thì thu nhập từ mô hình nuôi cua mang lại cũng không thua kém. Ngoài giá cua tăng cao thì giá tôm sú hiện cũng đang ở mức cao. Niềm vui và công sức lao động của người nông dân đã được đền bù./.
Kim Hậu
Theo Báo Cà Mau