(TSVN) – Theo Chi cục Thủy sản Cà Mau, thời gian qua, địa phương đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi. Tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân thực hiện thả giống kịp thời vụ, tăng sản lượng, đặc biệt là tôm siêu thâm canh.
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 484.408 tấn, đạt 74,30% so kế hoạch, tăng 1,72% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 187.258 tấn, đạt 74,02% so kế hoạch, tăng 1,72% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 306.162 tấn đạt 73,77% kế hoạch, tăng 1,84% so cùng kỳ; sản lượng tôm ước đạt 179.900 tấn đạt 74,03% kế hoạch, tăng 1,73% so cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay của tỉnh là 303.264 ha, diện tích nuôi tôm là 278.615 ha, diện tích nuôi cá nước ngọt 24.621 ha, 28 ha nuôi thủy sản khác (nghêu).
Thời gian qua, địa phương đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, tổng diện tích nuôi tôm đến nay là 278.615 ha, trong đó có các loại hình nuôi như: nuôi tôm quảng canh kết hợp (tôm – rừng, tôm – lúa, tôm – cua – cá) 84.468,16 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 187.621,8 ha, đạt 100,33% so với kế hoạch năm 2024 (187.000 ha), tăng 4,25% so cùng kỳ, nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh 6.525,04 ha/7.378 hộ đạt 95,96% so với kế hoạch năm 2024 (6.800 ha), tăng 2,26% so cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh để tạo đột phá về sản lượng, diện tích hiện nay là 4.997,76 ha với 5.075 hộ nuôi, tăng 6,46% so cùng kỳ.
Toàn tỉnh hiện có 730 ha nuôi cá chình, 607 ha nuôi cá bống tượng. Diện tích nuôi cá sặc rằn thâm canh là 143 ha/495 hộ nuôi, tập trung tại huyện Trần Văn Thời. Nuôi hàu lồng có 1.196 lồng với 1 hợp tác xã và 24 hộ nuôi, tổng diện tích nuôi 13.075 m2. Diện tích nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 8.110,4 ha, nuôi vọp kết hợp trong vuông tôm ở huyện Năm Căn được 134 ha/47 hộ, diện tích nuôi tôm càng xanh đến nay được 17.794 ha (U Minh: 3.871 ha, Thới Bình: 13.923 ha).
Sản xuất tôm giống có bước phát triển về đầu tư quy mô lớn, sản xuất tập trung, nhiều trại sản xuất quy mô nhỏ được nâng cấp, tổ chức thành các HTX để nâng cao chất lượng tôm giống và hiệu quả sản xuất; tập trung phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Naturland, BAP, EU và gần đây có ASC, Selva Shrimp,VietGAP,… Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 800 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, ước sản lượng sản xuất tại địa phương đạt khoảng 14,6 tỷ con tôm giống, trong đó giống tôm sú đạt 10,8 tỷ con, tôm thẻ chân trắng sản xuất đạt khoảng 3,8 tỷ con phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân trong tỉnh.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng, tạo điều kiện cho người dân trao đổi, học tập và ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Nhất là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm siêu thâm canh ngày càng được quan tâm hơn, quy mô diện tích vùng nuôi được mở rộng. Trong quá trình nuôi tôm, người nuôi đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất như quy trình cải tạo ao đầm, lựa chọn con giống, xử lý môi trường, quy trình chăm sóc tôm nuôi… đồng thời người dân luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất.
Những tháng cuối năm, địa phương phấn đấu diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến ước 187.622 ha đạt 100,33% kế hoạch; diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ước đạt 6.525 ha đạt 95,96% kế hoạch (trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ước đạt 5.200 ha, đạt 100% kế hoạch). Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đến cuối năm đạt 410.000 tấn đạt 98,8% kế hoạch, tăng 2,79% so cùng kỳ (năm 2023: 398.881 tấn), trong đó: Sản lượng tôm ước 242.000 tấn đạt 99,59% kế hoạch, tăng 4,57% so cùng kỳ (năm 2023: 231.431 tấn).
Chi cục Thủy sản Cà Mau tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương tăng cường theo dõi, quản lý, bám sát vùng nuôi, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất tôm nước lợ. Đặc biệt, phát triển ngành tôm theo hướng tăng năng suất, sản lượng và bền vững; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, phát huy lợi thế tôm sinh thái, hữu cơ, tôm – lúa có chứng nhận, nâng cao giá trị gia tăng; xem phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến là giải pháp đột phá về sản lượng.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Cùng đó, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững, tiếp tục theo dõi diễn biến giá tôm, giá cả thị trường để kịp thời cảnh báo, khuyến cáo người nuôi.
Nguyễn Hằng
(Tổng hợp)