Cà Mau: Giải pháp giám sát môi trường rừng ngập mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia đã tài trợ cho tỉnh Cà Mau thực hiện Dự án hệ thống giám sát môi trường NTTS rừng ngập mặn ở Cà Mau (AQUAM) để lắp đặt trạm quan trắc môi trường rừng ngập mặn tại các vị trí trọng yếu. Dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp người dân có đời sống ổn định mà vẫn bảo đảm gìn giữ môi trường.

Dự án AQUAM là một trong 12 dự án được tài trợ bởi hợp phần Hợp tác tài trợ của Chương trình Aus4Innovation. Hợp phần này cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm nhân rộng các sáng kiến khoa học công nghệ đã được thử nghiệm, nhằm giải quyết những thách thức hoặc vận dụng cơ hội mới trong nhiều lĩnh vực trên khắp Việt Nam. Các dự án được tài trợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, y tế và quản lý thiên tai và môi trường. 

Trạm quan trắc đặt tại Tiểu khu 154

AQUAM là dự án do Đại học Queensland (Australia) và Công ty Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh thiết kế và triển khai, phối hợp Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu và Sở NN&PTNT Cà Mau thực hiện. Dự án triển khai từ tháng 10/2021, đến nay đã xây dựng 15 trạm quan trắc môi trường tự động (AQUAM) phân bố trên sông, rạch của rừng ngập mặn tại địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và Phú Tân. Mỗi trạm quan trắc cung cấp 6 chỉ số môi trường nước: Nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan (DO), độ mặn, độ đục, độ kiềm. Đây là các chỉ số cơ bản, cần thiết để đánh giá chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản. Số liệu đo từ các trạm quan trắc sẽ được truyền trực tiếp lên ứng dụng Mobile AQUAM để người dân nắm thông tin, từ đó người dân có thể xác định được chất lượng nước tại trạm đo gần với ao nuôi tôm của mình để chủ động được quá trình lấy nước ra vào ao tôm và xử lý nước. Hiện tại, các trạm quan trắc đang vận hành tương đối ổn định. Các dữ liệu về quan trắc môi trường nước và thông tin biến động diện tích rừng sẽ được cập nhật dữ liệu tại website https://aquam.com.au/public.html và phần mềm, ứng dụng AQUAM trên điện thoại thông minh hệ điều hành Android (dự kiến sẽ phát triển thêm trên hệ điều hành iOS ở giai đoạn sau). Dự án dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10/2022. Sau đó, Dự án sẽ bàn giao lại cho Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cùng các Ban quản lý rừng ngập mặn tại cơ sở thụ hưởng.

Hình ảnh vệ tinh về 15 trạm quan trắc đặt tại các vị trí trọng yếu ở Cà Mau

Nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn cũng được coi là một phương thức sản xuất bền vững và có năng suất cao, kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế. Tuy nhiên, hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào dòng chảy của thủy triều. Nếu nước thủy triều bị ô nhiễm, thiếu ôxy, bị nhiễm mặn hoặc thay đổi độ mặn do mưa lớn hay hạn hán thì sẽ gây nên rủi ro cho cả các loài thủy sinh và cây ngập mặn. Tại Hội thảo tổng kết dự án AQUAM tổ chức ở Cà Mau ngày 16/8, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, các trạm quan trắc do dự án lắp đặt có thể tạo ra tác động rất lớn và có tiềm năng nhân rộng ra các vùng khác ở ĐBSCL, những nơi cũng đang phải đối mặt với những thách thức môi trường tương tự. Cà Mau hy vọng sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Australia để đưa sáng kiến này lên tầm cao mới.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!