Cà Mau: Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thúc đẩy xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân. Điển hình là mô hình tôm – lúa của Hợp tác xã Chế biến Thương mại Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát (HTX Cái Bát).

Ổn định nhờ con tôm 

Nghề nuôi tôm, trồng lúa đã gắn bó với người dân ấp Cái Bát nói riêng và xã Hòa Mỹ nói chung từ rất lâu. Tuy nhiên, trước đây, người dân đa phần làm ăn tự phát, mạnh ai nấy làm, thị trường bấp bênh nên hiệu quả không cao. 

Tháng 9/2014, Tổ hợp tác Cái Bát chính thức đăng ký thành lập HTX gồm 12 thành viên, với 47 ha đất nuôi tôm. Kể từ khi thành lập, HTX trở thành điểm tựa sản xuất, làm giàu cho hàng trăm thành viên và nông dân liên kết. HTX hỗ trợ thành viên khâu ký hợp đồng mua vi sinh, con giống với các công ty có uy tín trên thị trường, hỗ trợ các thành viên tham gia mua con giống, vật tư nông nghiệp… giá rẻ hơn so với bên ngoài. 

Thu hoạch tôm tại HTX Cái Bát, Cái Nước, Cà Mau. Ảnh: ST

Ngoài ra, HTX cũng hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật nuôi tôm và liên kết với các công ty chế biến thủy sản để thực hiện nuôi tôm sạch, đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định cho thành viên. 

Sau những thành công và bài học sản xuất tôm, HTX dần tìm ra hướng đi hiệu quả nhất với mô hình nuôi tôm sạch, chủ động liên kết với doanh nghiệp để đánh giá chứng nhận vùng nuôi, áp dụng kỹ thuật để bảo đảm tạo ra những sản phẩm chất lượng. Đến nay, toàn bộ vùng nuôi trồng thủy sản của HTX đã được chứng nhận ASC, VietGAP, công nhận vùng nuôi an toàn và đang được đánh giá để chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. 

Năm vừa qua, HTX thu hoạch tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn đạt năng suất 300 kg/ha, nuôi cua 2 giai đoạn đạt 250 kg/ha, nuôi cá rô phi lồng ghép ổn định đạt 400 kg/ha. HTX đạt doanh thu 3,2 tỷ đồng từ việc chế biến các mặt hàng thủy sản với lợi nhuận thu được là 500 triệu đồng. 

Phát huy thế mạnh 

Toàn huyện Cái Nước hiện có tổng diện tích thủy sản trên 30.200 ha, được quy hoạch phát triển với 3 loại hình sản xuất chủ đạo gồm: nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh diện tích hơn 1.000 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 27.100 ha và nuôi tôm kết hợp với cua, sò huyết và các loài thủy sản khác. 

Nhờ những mô hình liên kết như HTX Cái Bát đã mang lại hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất của huyện Cái Nước cũng liên tục được nâng lên, giúp đời sống của nhân dân được cải thiện. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 53 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm còn 1,32%, thấp top đầu của tỉnh, chỉ sau thành phố Cà Mau. 

Hiện nay, HTX đã có nhiều diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC, tôm nuôi sau khi thu hoạch cũng được thu mua với giá tương đương thị trường hoặc cao hơn từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn được các thị trường lớn như ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội quan tâm và tìm đến thu mua với giá cao. 

Từ đó, HTX tiếp tục phát triển thêm cua, tôm sú lớn, tôm chà bông, tôm khô, bồn bồn/chả cá/phồng tôm giúp tăng thu nhập cho mỗi thành viên mỗi tháng từ 3,5 – 5 triệu đồng. 

Với những thành công đạt được và hướng tới mục tiêu đưa con tôm Cà Mau phát triển hơn nữa, HTX Cái Bát đang tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT Cà Mau tìm kiếm, xây dựng mô hình liên kết mới với sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!