Mô hình được thí điểm tại đầm tôm của hộ ông Nguyễn Phước Toàn, thuộc ấp 1, xã Thới Bình, với diện tích gần 2 ha.
Sau khi cải tạo theo quy trình nuôi tôm quảng canh bình thường, ông Toàn sử dụng thêm loại chế phẩm sinh học HoSaNa do Công ty TNHH An Phước, tỉnh Đồng Nai đầu tư 100%. Sau gần 3 tháng nuôi đúng theo quy trình kỹ thuật, đàn tôm của ông Nguyễn Phước Toàn đạt trọng lượng từ 30-40 con/kg, ông thu hoạch và lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Lê Trường Kỳ, Thường vụ Hội Nông dân huyện Thới Bình, đánh giá, qua khảo sát thực tế cho thấy, việc nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học trong thời gian qua cho hiệu quả rất tốt, góp phần giảm các loại hoá chất, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Hơn nữa, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, nông dân sẽ giảm được chi phí sản xuất từ 10-20% so với cách nuôi thông thường.
Hội Nông dân huyện Thới Bình khảo sát đầm tôm của ông Nguyễn Phước Toàn.
Theo ngành chức năng, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ làm giảm các độc tố trong ao nuôi, cải thiện màu nước, ổn định pH và cân bằng hệ sinh thái trong ao, giảm lượng vi khuẩn có hại, tăng sự hoà tan oxy vào nước; giúp tôm nuôi có nhiều thức ăn và tiêu hoá tốt, đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh cho tôm, giảm thay nước trong quá trình nuôi. Việc sử dụng chế phẩm sinh học là một giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.
Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết, hiện toàn huyện có tổng diện tích tôm nuôi trên 45.000 ha, với tổng sản lượng hằng năm ước đạt trên 15.000 tấn. Thực tế những năm qua việc nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học của nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình không nhiều, chỉ được áp dụng thí điểm và đạt hiệu quả ở một số hộ nuôi tôm đúng quy trình kỹ thuật.
Để nông dân được tiếp cận với mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học thì rất cần ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật để việc nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đúng theo quy trình, tôm nuôi sẽ giảm dịch bệnh, phát triển nhanh, tăng năng suất và đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.