Tháng 7 hằng năm là thời điểm thu hoạch nghêu thương phẩm của vùng nuôi nghêu Khai Long – Đất Mũi (Cà Mau). Vẫn gió, nắng và nền cát vàng pha đất ấy, nhưng bãi nghêu Khai Long năm nay vào mùa thu hoạch vắng lặng người. Xác nghêu chết nằm trắng xóa trơ trọi cùng sóng biển…
Đứng từ Khu du lịch Lý Thanh Long phóng tầm mắt ra biển, hướng thẳng là Hòn Khoai, cặp bên là khu nuôi nghêu thương phẩm 413 ha của 16 HTX và Ban quản lý vùng nuôi nghêu Khai Long. Đây là năm bà con xã viên ở đây thả nghêu giống nhiều nhất từ trước đến nay với 178 ha, số tiền mua giống gần 30 tỷ đồng. Mùa thu hoạch này, nơi đây vắng lặng người, thiếu tiếng cười đùa như mọi khi. Đâu đó chỉ mấy cái chòi canh nghêu nằm chơ vơ giữa biển, buồn tẻ…
Thả tiền tỷ, chỉ còn… xác nghêu
Kỹ sư Ngô Hoàng Sơn kiểm tra tình hình nghêu chết ở Khai Long.
Sáng nay, không thăm nghêu như mọi khi, ông Mộng ngồi thừ lừ trước chòi canh nghêu, đôi mắt trông ra biển vô hồn. Khi chiếc ca-nô cặp vách, va chạm cầu thang, ông mới chợt tỉnh. Đoàn khách vừa đặt chân lên chòi đã nghe tiếng than: “Thời điểm này năm trước, xã viên đông nghẹt, lớp cào, lớp bắt nghêu, chất cao như đống rơm, cười nói rộn rã lắm. Còn năm nay…”.
Bỏ dở câu nói, ông Mộng đưa tay chỉ về khoảng nước mênh mông trước mặt, nói mà như khóc: “Toàn khu này đều có nghêu, đến cận ngày thu hoạch nó ngoi đầu lên mặt cát. Nếu đến vào ngay con nước ròng, mấy cậu thấy xác nghêu chết nằm sắp lớp trắng xóa. Tiền tỷ, giờ chỉ còn xác nghêu…”.
Ông Huỳnh Thanh Mộng là người địa phương, không đất sản xuất, tham gia vào khu nuôi nghêu Khai Long từ năm 2005. Ông hiện vừa là xã viên, kiêm luôn chức Đội trưởng Đội bảo vệ vùng nghêu Khai Long. Thành công từ mấy vụ nuôi trước, ông mạo hiểm gom hết vốn liếng, cả vốn vay mượn bên ngoài để hùn vào vụ nuôi năm 2011 này, cả thảy gần 300 triệu đồng, những mong đổi đời. Giờ nghêu chết la liệt, ông trắng tay!
Lớp cát dưới mặt biển mênh mông ấy, xác nghêu chết nằm liền kề, bất kỳ ai giơ tay hốt nhẹ đều có thể vớt lên cả nắm vỏ nghêu, phản phất mùi thối. Ông Nguyễn Văn Chính, Chủ nhiệm HTX nuôi nghêu Khai Long, ngao ngán: “Nghêu thả hơn 10 tháng rồi, định đầu tháng 7 này thu hoạch dần. Tới họng mà nuốt cũng không trôi…”. Hàng chục tỷ đồng và kỳ vọng của hơn 1.400 xã viên vào một vụ mùa thắng lợi phút chốc tan theo bọt biển.
Vùng nuôi nghêu Khai Long bắt đầu thả giống vụ này từ tháng 7, ai trễ lắm cũng tháng 10/2010. Bà con xã viên ở đây cho biết, thường nghêu phát triển tốt là 10 tháng cho thu hoạch. Nếu tính nhẩm thì đến thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, phần lớn số nghêu nuôi ở đây có thể thu hoạch kiểu “cuốn chiếu”.
Ông Phan Quốc Việt, Phó Ban quản lý vùng nuôi nghêu Khai Long, cho biết: “Anh em thay nhau canh chừng, thăm nom thường xuyên, vậy mà nó cũng chết. Nó chết theo chiều gió, mỗi lần đổi gió nam, gió bấc… là nó chết. Đầu vụ giờ chưa thu hoạch gì mà nó chết 3 lần rồi”.
“Hồi đầu tháng 6 vừa rồi, anh em canh nước lớn bắt nghêu, nó không kịp ngậm miệng lại vì đang kiếm ăn. Đó là biểu hiện nghêu khỏe. Vậy mà chỉ mấy ngày sau, cũng canh nước lớn để bắt thăm dò, nhưng nó nằm im re, biết có chuyện chẳng lành. Mấy hôm sau mò thì thấy nó chết la liệt trên nền cát như vừa bị ai đó ném bom, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại. Lần chết này nặng nề hơn lần nghêu chết hồi tháng 2, tháng 4 trước đó. Không ai biết làm cách nào để cứu, giờ chắc chết sạch rồi. Tình cảnh kiểu này, xã viên ở vùng nuôi này có nước bỏ xứ, trốn nợ” – ông Việt ngậm ngùi.
Rước bệnh về vùng nuôi
Sau khi thu mẫu nghêu chết, thực hiện một số thao tác chuyên môn, đoàn cán bộ chuyên môn Chi cục Thú y cùng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Minh Hải và cơ quan Thú y Vùng 7 nhận định, với mật độ dày đặc này, ước lượng nghêu chết ở vùng nghêu Khai Long khoảng trên 90%.
Kỹ sư Ngô Hoàng Sơn, Chi cục phó Chi cục Thú y, nhận định: “Chưa khi nào nghêu chết nhiều như vậy. Năm ngoái vào khoảng thời gian này, nghêu ở đây cũng bị chết nhưng chỉ kéo dài trong 2 ngày sau cơn mưa, thiệt hại chỉ khoảng 10%. Còn chết mật độ dày kiểu này, thiệt hại gần như hoàn toàn”.
Trên chòi canh khu nuôi nghêu, xã viên chỉ biết “chờ… nghêu chết”.
Ngày 1/7 vừa qua, mẫu nghêu chết ở Khai Long do cơ quan Thú y Vùng 7 gởi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với ký sinh trùng Perkinsus – cùng loại bệnh gây nghêu chết trong tháng 2 và tháng 4/2011 ở vùng nuôi này. Kết quả này cũng nằm trong dự đoán của ngành thú y Cà Mau, bởi hầu hết nguồn giống tại vùng nuôi nghêu Khai Long được mua từ Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và Bến Tre, Tiền Giang – 3 địa phương có nghêu chết trước đó mà nguyên nhân chính là do ký sinh trùng Perkinsus gây nên.
Kỹ sư Sơn cho biết, loại ký sinh trùng Perkinsus cũng vừa gây bệnh nghêu chết hàng loạt ở Bạc Liêu. Perkinsus là bệnh rất nguy hiểm, có khả năng lây lan thành dịch nên đã qua, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đưa Perkinsus vào danh mục đối tượng cần kiểm dịch nghiêm ngặt.
Tại hội nghị bàn về tình hình nghêu chết các tỉnh ven biển trong cả nước tổ chức vào ngày 21/5 vừa qua, các địa phương có diện tích nuôi nghêu phần lớn có cùng ý kiến đề xuất Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nên đưa bệnh Perkinsus vào danh mục loại bệnh cần được hỗ trợ. Vấn đề này đang được Bộ xem xét, chắc sẽ sớm có kết luận sau cùng.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, cho biết, xã viên vùng nuôi nghêu Khai Long phần lớn là hộ nghèo, không đất sản xuất, đời sống rất khó khăn. Được quy tụ tham gia vào vùng nuôi, ai cũng mừng. Ngoài vốn làm thuê dành dụm được, vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều xã viên còn mạo hiểm vay mượn bên ngoài để có tiền hùn vốn nuôi nghêu ở vụ này. Giờ gặp tình cảnh nghêu chết, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, nhiều khả năng bỏ đầm ở vụ nuôi tới.
Trong khi chờ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, trước mắt, người nuôi nghêu địa phương nên thu gom nghêu chết, vệ sinh sạch bãi nghêu – nơi chứa đựng mầm bệnh, tranh thủ thời gian phơi bãi để khử trùng. Theo đó, không nên vội thả giống vụ mới để hạn chế phát sinh dịch bệnh; hạn chế vận chuyển giống từ các vùng có dịch bệnh để tránh lây lan mầm bệnh từ ngoài vào địa phương – Kỹ sư Ngô Hoàng Sơn khuyến cáo.
Hải Yến
Theo Báo Cà Mau